(HNM) - Hội Xuất bản Việt Nam đang xây dựng các quy định về đạo đức nghề nghiệp với mong muốn, bên cạnh luật pháp thì quy định này sẽ giúp tác động tích cực tới hoạt động xuất bản đang có nhiều biểu hiện xuống dốc.
Đơn giản nhất là chuyện không tuân thủ những quy định tối thiểu của Luật Xuất bản như nộp lưu chiểu. Rất nhiều sai phạm của các nhà xuất bản khi phát hiện ra có vấn đề về nội dung thì mới vỡ lẽ là tác phẩm chưa thực hiện nghĩa vụ này.
Dự kiến nội hàm khái niệm đạo đức nghề nghiệp xuất bản được nêu trong quy định này gồm những nội dung, như: Tôn trọng và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lĩnh vực này; luôn coi trọng chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học, chất lượng nghiệp vụ xuất bản; tôn trọng tác giả, tác phẩm, cộng tác viên, công chúng độc giả... Nhưng, như vậy khi quy định ra đời cũng sẽ có người đặt câu hỏi, pháp luật còn không xử lý nổi thì kêu gọi đạo đức trong thời buổi siêu lợi nhuận của in lậu và làm sách chạy theo thị hiếu rẻ tiền liệu có phải là chuyện vô ích không? Về điều này, đại diện Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, có thể có những hành vi chưa đến mức phải điều chỉnh bằng các quy định của pháp luật mà chỉ cần điều chỉnh bằng các quy định đạo đức nghề nghiệp, bên cạnh đó nhiều trường hợp có khi sử dụng quy định đạo đức lại có hiệu quả cao hơn.
Thực tế, khi nạn in lậu "cướp" của những người làm sách từ uy tín, thương hiệu đến kinh tế... thì những người làm sách chân chính đã cùng nhau "đứng lên" từ kiện kẻ in lậu ra tòa đến làm tem chống giả... Nhưng bên cạnh những giải pháp có tính pháp luật thì cũng thấy nhiều động thái mang hình thức vận động xã hội, đánh động tới đạo đức người xuất bản, phát hành sách. Điển hình như chuyện Thái Hà Books làm nhà sách bản quyền, rồi thì Quảng văn Books - một đơn vị mới ra đời nhưng đã tập hợp một "liên minh" các nhà sách ở khu vực đường Phạm Văn Đồng và thuyết phục họ bán sách với tinh thần làm sách thật lời hơn sách giả. Thậm chí đơn vị này còn tập hợp lực lượng cộng tác viên chính là bạn đọc trẻ tham gia mạng lưới phát hiện sách giả, tuyên truyền phân biệt giữa sách thật và sách giả cho bạn bè nói riêng, người đọc nói chung...
Như vậy, các quy định về đạo đức tuy không thay thế được luật pháp nhưng nó cũng có khả năng tạo nên một cơ chế dự phòng, miễn dịch với cái xấu? Đánh động tới lương tâm xưa nay chưa bao giờ là không cần thiết trong cuộc đấu tranh hướng tới điều tốt đẹp!.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.