(HNM) - Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lịch sử - văn hóa lớn nhất cả nước. Hầu hết các làng quê đều tổ chức lễ hội truyền thống vào dịp đầu xuân hằng năm. Mặc dù các cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý lễ hội, song ở nhiều nơi vẫn còn tồn tại những hoạt động thiếu lành mạnh, cần phải được khắc phục, nhất là tệ nạn mê tín dị đoan và đánh bạc.
Đánh bạc công khai ngay tại cổng chùa Tây Phương. |
Đầu xuân Canh Dần - 2010, dạo qua một số lễ hội truyền thống ở các huyện: Hoài Đức, Thạch Thất, Mỹ Đức, Sóc Sơn... chúng tôi thấy công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường có nhiều chuyển biến. Tại chùa Tây Phương thuộc huyện Thạch Thất, các hàng quán bày bán ở ngay sân chùa như những năm trước đây đã được khắc phục. Vệ sinh môi trường ở lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức), đền Sóc (Sóc Sơn) có tốt hơn... Tuy nhiên, hiện tượng mê tín dị đoan vẫn còn phổ biến và hoạt động công khai tại các lễ hội, ở các đình, chùa, miếu mạo. Nhiều chùa đã tổ chức rút thẻ có thu tiền ở một số ban thờ. Thẻ ở đây là những mảnh giấy phôtôcoppy, trong đó có ghi những lời dự đoán về sức khỏe, cầu danh, cầu lợi, chuyện nhân duyên, nhà đất, mồ mả…
Trong những ngày Tết Nguyên đán 2010 này, ở sân chùa Bi, xã Vân Canh (Hoài Đức) chỗ nào cũng thấy tụm năm, tụm ba để giải thẻ. Tại danh lam thắng cảnh nổi tiếng như chùa Cực Lạc (Thạch Thất), nằm sát chùa Tây Phương cũng vậy, rút thẻ được thực hiện công khai. Ở ngay nơi được coi là Thánh Gióng bay về trời, sau khi đánh thắng quân giặc, vào đúng ngày hội đền Sóc (19-2-2010, tức mùng 6 Tết), có khá nhiều người cầm tập thẻ to trên tay mời chào khách, chẳng khác gì một cái chợ. Bên cạnh việc rút thẻ, tình trạng gọi hồn, bói toán... cũng xuất hiện ở một số lễ hội. Có mặt tại lễ hội chùa Hương vào ngày 21-2-2010 (tức mùng 8 Tết), chúng tôi còn được chứng kiến cảnh tượng một số người ngang nhiên đặt tấm biển quảng cáo "Xem bói, xem tướng" ở cổng vào động Hương Tích và luôn tấp nập kẻ ra, người vào đặt tiền để được "thầy" phán, mà không hề bị lực lượng chức năng nào xử lý (?).
Đáng buồn, ở nhiều lễ hội, các trò chơi như chọi gà, cờ tướng, quay số trúng thưởng... đã trở thành các sới bạc được "bảo kê". Ngoài ra, các chiếu bạc ăn theo hội làng, mức độ sát phạt không phải là nhỏ, thì chỗ nào cũng có. Đặc biệt, ngay ở cổng chùa Tây Phương những ngày đầu năm mới Canh Dần, lúc nào cũng có 3-4 chiếu bạc chơi công khai, giữa "thanh thiên bạch nhật", với các trò như xóc đĩa, cua, cá, đỏ đen... Nhiều người quanh năm nai lưng gánh vữa, khâu nón, kéo xẻ, lam lũ làm ăn, nhưng chỉ nướng vào chiếu bạc tại các lễ hội vài tiếng đồng hồ. Có những "con bạc" khát nước cắm cả phương tiện đi lại, đồ đạc của gia đình để chơi. Thế nhưng, khi đề cập đến vấn đề này, lãnh đạo một số địa phương lại cho rằng, đó là trò chơi vui, giải trí, một năm mới có một lần, nên không hề ngăn cấm.
Để các lễ hội trở nên đẹp, có ý nghĩa, cần được các làng quê, địa phương tổ chức tốt hơn, văn minh hơn; đồng thời xử lý nghiêm minh những người vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.