Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đằng sau những con số

Nguyễn Triều| 02/01/2011 04:50

(HNM) - Đó là những con số tổng kết rõ ràng, ngắn gọn, đơn giản về những gì chúng ta đã đạt được và còn cần phải phấn đấu sau một năm cố gắng thực hiện những mục tiêu đã đặt ra.

Năm 2010 chúng ta đã đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực kinh tế - vừa thoát khỏi khủng hoảng, trì trệ, vừa tăng đáng kể tổng sản phẩm quốc nội.

Thành công không nhỏ: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng gần 7%, một con số rất ấn tượng không chỉ trên nền kinh tế suy thoái trong khu vực. Nó ấn tượng trước hết bởi sức phấn đấu, nỗ lực lớn lao của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tộc.

Nhờ những nỗ lực đó mà lần đầu tiên kể từ khi đổi mới, mở cửa, Việt Nam đã có hơn 14 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Quốc lực năm 2010 đã vượt quá ngưỡng 100 tỷ USD, tính bình quân thu nhập chừng 1.150 USD đầu người. Đây là một thành tựu lớn nếu nhớ rằng năm 1996, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII cũng chỉ đặt mục tiêu tới năm 2000 thu nhập bình quân đầu người của chúng ta chừng 200 USD!

Hơn 10 năm trước, Việt Nam thậm chí không được đưa vào bảng tổng sắp về tổng sản phẩm trong khu vực. Hôm nay, cụ thể là năm 2010 này, bức tranh đã có nhiều thay đổi. Chúng ta vẫn chưa là "cường quốc kinh tế khu vực", nhưng đã không còn "dưới đáy" nữa. Tổng lực năm 2010 đứng đầu là Thái Lan với 312,6 tỷ USD; Malaisia: 218,9 tỷ USD; Philippines: 189 tỷ USD. Và Việt Nam là 104,6 tỷ USD...

Đó là những con số tốt lành.

Còn có những con số đáng buồn. Những con số thể hiện sự tiêu hoang của người Việt ngày nay; những con số hết sức chủ quan do những nhà nghiên cứu kinh tế - tài chính của chúng ta đưa ra; những con số được sản sinh ra từ thói quan liêu, sự trì trệ của nhiều khâu:

1. Cả năm cả nước "vung qua cửa sổ" hơn 10 tỷ USD để nhập hàng xa xỉ.

2. Một giám đốc một trung tâm nghiên cứu kinh tế, muốn chứng tỏ sức mạnh của chúng ta chưa là gì, đã đưa ví dụ rằng một tỉnh của Trung Quốc có tổng sản phẩm khoảng 500 tỷ USD là bình thường. Trung Quốc hiện là nền kinh tế thứ hai trên thế giới (tổng sản phẩm hơn 4.000 tỷ USD) và họ có đâu đó 30 tỉnh và 3 thành phố trực thuộc trung ương. Theo cách tính của vị giám đốc - học giả nọ, thì liệu tổng sản phẩm của Trung Quốc là bao nhiêu? Chắc chắn không những đã vượt, mà còn gần gấp đôi Mỹ. Nói chuyện này không vì so đo, mà muốn nói tới cung cách nghiên cứu, nhận xét, đánh giá tình hình kinh tế trong nước cũng như thế giới, của nhiều học giả, nhà nghiên cứu của chúng ta, nó chẳng khác gì cách một số bộ phận người Việt giàu xổi tiêu tiền.

3. Có tình trạng tiêu pha vô lối đó; có những "công trình" nghiên cứu lạ lùng đó một phần do cách làm luật của chúng ta. Theo Bộ Tư pháp, năm 2010 đã phát hiện gần 7.000 văn bản cấp tỉnh, thành có dấu hiệu vi phạm pháp luật, còn ở cấp trung ương là hơn 400...

Sau những con số đó là hàng loạt vấn đề đặt ra cho chúng ta trong năm 2011 - một năm đặc biệt với nhiều sự kiện trọng đại và cũng có nhiều thách thức đối với sự phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đằng sau những con số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.