Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đằng sau 40 mẫu ruộng “bỏ trắng”

Nhóm PV Ban NNNT| 25/02/2014 06:16

(HNM) - Trong khi nông dân huyện Thường Tín chạy đua với thời gian, làm đất, gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất (dự kiến xong trước ngày 28-2) thì tại thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, khoảng 40 mẫu ruộng vẫn còn nguyên gốc rạ.


Trưa 23-2, thị sát 12 xứ đồng như Cửa Vàng, Gò Hến, Đồng Yếm, Vàng, Đa Cái…, diện tích khoảng 40 mẫu vẫn còn nguyên gốc rạ, cỏ mọc um tùm, trong khi những cánh đồng bên cạnh cây lúa đã bén rễ, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Vũ Văn Tuân cho biết: Thực hiện gieo cấy lúa xuân trên địa bàn thôn Thụy Ứng, ngày 24-1, xã Hòa Bình đã chỉ đạo HTX NN Hòa Bình tập trung lấy nước vào ruộng, gieo mạ, làm đất tại các diện tích sản xuất của xóm 6. Tuy nhiên, chiều cùng ngày, khoảng 60 người dân ở xóm này lên trụ sở xã phản đối và cản trở việc lấy nước. Nguyên nhân xuất phát từ việc dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) liên quan đến hai hộ dân là ông Nguyễn Xuân Huy và ông Nguyễn Văn Tuyên nhận chuyển nhượng đất ở khu vực Só Đường Châu.

Hiện trạng khu đất nông nghiệp Só Đường Châu, thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình. Ảnh: Thúy Nga



Tìm hiểu được biết, thực hiện chủ trương DĐĐT, xã Hòa Bình triển khai thí điểm và hoàn thành nhiệm vụ này ở các thôn Dưỡng Hiền, Quần Hiền trong năm 2012 và năm 2013 triển khai tiếp ở các thôn Phụng Công, Thụy Ứng. Đến nay, 5/7 thôn, xóm ở địa phương này cơ bản hoàn thành DĐĐT, giao ruộng tại thực địa cho nhân dân. Thôn Thụy Ứng có 4 xóm thì 3 xóm cơ bản hoàn thành việc giao ruộng, riêng xóm 6 chưa xây dựng được phương án DĐĐT. Ông Nguyễn Đình Tùy, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết, ngày 5-12-2013, khi cán bộ xóm 6 thực hiện đo đạc, khảo sát ruộng đất ở khu vực Só Đường Châu để tiến hành DĐĐT gặp sự cản trở. Theo đó, một số người dân kiến nghị UBND xã xem xét thu hồi diện tích đất nông nghiệp nhận chuyển nhượng ở Só Đường Châu để đưa vào DĐĐT. Đây là trường hợp hộ ông Huy và ông Tuyên nhận chuyển nhượng đất của các hộ được giao đất theo Nghị định 64 của Chính phủ năm 1993, song thủ tục chuyển nhượng đã thực hiện đúng quy định, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài.

Trong quá trình lập phương án, tiểu ban DĐĐT xóm 6 đã không đưa hai ông này vào danh sách. Xem xét vấn đề này, trong các văn bản chỉ đạo, UBND xã Hòa Bình yêu cầu tiểu ban DĐĐT xóm 6 đưa hai ông này vào danh sách DĐĐT theo quy định, bởi đối chiếu với nội dung trong Kế hoạch 68 của UBND huyện Thường Tín về thực hiện DĐĐT, trường hợp của ông Huy, ông Tuyên là đối tượng sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp được tham gia DĐĐT tại xóm 6, thôn Thụy Ứng. Đồng thời, ông Huy và ông Tuyên được tham gia các cuộc họp cùng nhân dân để bàn bạc, thảo luận và tham gia đóng góp ý kiến vào phương án DĐĐT, trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, đoàn kết và có sự đồng thuận cao của các hộ sử dụng đất nông nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của xã, ngày 8-2, xóm 6 tổ chức cuộc họp và ban hành nghị quyết nêu rõ, nếu nhân dân xóm 6 đồng ý cho ông Huy và ông Tuyên vào danh sách DĐĐT thì hai ông này phải gắp thăm cùng cả xóm, được đâu lấy đó. Đồng thời, yêu cầu hai ông phải xúc bỏ cát san lấp trước đây trên diện tích ruộng đất chuyển nhượng ở Só Đường Châu để trả lại hiện trạng ban đầu… Việc di chuyển cát đã được hai ông thực hiện. Thế nhưng sau đó chỉ 4 ngày (ngày 12-2), xóm 6 lại ban hành nghị quyết không đưa trường hợp của ông Huy và ông Tuyên vào danh sách DĐĐT với các lý do: Hai ông không phải là công dân xóm 6 và năm 1993, xóm 6 không giao ruộng đất nông nghiệp cho hai ông; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích chuyển nhượng cấp cho hai ông đã hết thời hạn sử dụng vào ngày 15-10-2013 và không còn giá trị (?). Đáng nói, một số người dân xóm 6 còn tụ tập đông người và tổ chức khiếu kiện vượt cấp. Những người này giữ quan điểm: Bao giờ chính quyền thực hiện xong DĐĐT mới triển khai cấy lúa xuân và nếu địa phương đưa máy móc ra đồng làm đất thì sẽ ngăn cản.

Bà Chu Thị Minh Huyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, trước sự việc xảy ra, huyện đã chỉ đạo tạm dừng thực hiện DĐĐT ở xóm 6 và yêu cầu xã Hòa Bình tổ chức điều tiết nước, vận động nhân dân làm đất, gieo cấy trên diện tích đất giao trước đây, sau khi cấy xong lúa xuân thì tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác DĐĐT. Huyện cũng giao nhiệm vụ cho MTTQ và các đoàn thể xã, thôn, cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên tuyên truyền, vận động gia đình, anh em, họ hàng gương mẫu gieo cấy lúa xuân để nhân dân làm theo... Tuy nhiên, thực tế diễn biến ở thôn Thụy Ứng những ngày qua vẫn chưa hết căng thẳng, không ít người dân giữ thái độ bất hợp tác và 40 mẫu ruộng có nguy cơ bị "bỏ trắng", rất cần sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời và dứt điểm của UBND huyện Thường Tín.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đằng sau 40 mẫu ruộng “bỏ trắng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.