Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đắng ngắt nước sạch Cua Chu

Cát Huy Quang| 30/07/2012 06:17

(HNM) - Năm 2008, UBND huyện Ba Vì (Hà Nội) triển khai Công trình nước sạch tự chảy nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân thôn miền núi Cua Chu thuộc xã Tản Lĩnh với số vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng. Năm 2009 bàn giao công trình, nhưng đến nay người dân chưa được hưởng một giọt nước sạch nào mà hệ thống bể chứa, đường ống đã hư hỏng rất nhiều.

(HNM) - LTS: Kể từ khi phát động cuộc thi viết "Chống lãng phí, thực hành tiết kiệm" đến nay, Báo Hànộimới đã nhận được nhiều bài viết của bạn đọc từ khắp nơi gửi đến hưởng ứng. Những bài viết có chất lượng đã được Ban tổ chức lựa chọn đăng tải đều đặn. Theo kế hoạch, cuộc thi viết "Chống lãng phí, thực hành tiết kiệm" kết thúc vào cuối tháng 8 năm 2012, sẽ chấm và trao giải đúng dịp kỷ niệm 55 năm Ngày Báo Hànộimới ra số đầu tiên 24-10-2012. Ban tổ chức cuộc thi mong tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của bạn đọc. Bài dự thi xin gửi theo địa chỉ: Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 043.8253067. Tác phẩm gửi theo hộp thư điện tử địa chỉ Email: thiphongsu@hanoimoi.com.vn. Ban tổ chức sẽ trao 1 giải Nhất (trị giá 20 triệu đồng); 2 giải Nhì (mỗi giải 15 triệu đồng); 3 giải Ba (mỗi giải 10 triệu đồng) và 5 giải Khuyến khích (mỗi giải 5 triệu đồng).

Năm 2008, UBND huyện Ba Vì (Hà Nội) triển khai Công trình nước sạch tự chảy nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân thôn miền núi Cua Chu thuộc xã Tản Lĩnh với số vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng. Năm 2009 bàn giao công trình, nhưng đến nay người dân chưa được hưởng một giọt nước sạch nào mà hệ thống bể chứa, đường ống đã hư hỏng rất nhiều.

Tiền tỷ "đắp chiếu"

Thôn Cua Chu nằm ở sườn bắc núi Ba Vì, có 240 hộ dân với 1.073 nhân khẩu, trong đó 80% là người dân tộc Mường. Công trình nước sạch tự chảy dẫn nước từ con suối ở độ cao 400m chảy xuống.


Bể chứa nước của công trình nước sạch tự chảy cạn trơ đáy và đầy cỏ lau.

Đi bộ leo núi suốt buổi sáng, những gì chúng tôi quan sát thấy thật phũ phàng. Toàn bộ 3 chiếc bể chứa nước được xây ở lưng chừng núi, với tổng dung tích gần 400m3 bị bỏ hoang từ lâu, đáy bể khô khốc và cỏ lau đã mọc cao quá thành bể (khoảng 4m). Hệ thống van điều tiết nước gỉ sét và không có núm vặn. Đường ống dẫn nước (bằng nhựa) từ hồ chứa xuống bể lắng lọc dài chừng 2km và đường ống từ bể nước sạch về thôn Cua Chu dài hơn 1km đã bị vỡ rất nhiều chỗ, có nơi nước chảy lênh láng, tràn cả ra đường.

Bà con thôn Cua Chu ai cũng bày tỏ sự bức xúc. Hơn 1,5 tỷ đồng là số tiền rất lớn đối với một thôn nghèo miền núi, thế mà công trình vừa làm xong đã hỏng rồi bỏ hoang. Giá như số tiền ấy chia cho 240 hộ dân thôn Cua Chu đào giếng khoan, hoặc làm vốn để xóa đói, giảm nghèo thì hay biết bao nhiêu.

Nhiều dấu hiệu bất thường

Bà Kiều Thị Hoạt, Trưởng thôn và ông Nguyễn Văn Hiển, Chi ủy viên Chi bộ thôn Cua Chu kiêm Trưởng ban Quản lý nước sạch tự chảy cho biết: Khi UBND huyện Ba Vì đầu tư xây dựng công trình này thì chính quyền thôn và xã… chẳng biết gì. Cán bộ và nhân dân thôn Cua Chu chỉ thấy người của Công ty Quảng Tây (có trụ sở ở huyện Ba Vì) lên núi thi công, xã và thôn cũng không được giám sát công trình theo Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng do Chính phủ ban hành tại Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg.

Cùng một số cán bộ thôn Cua Chu đi thị sát công trình, chúng tôi thấy rất nhiều đoạn ống nhựa dẫn nước để nổi trên mặt đất, trong khi đó theo thiết kế kỹ thuật thì toàn bộ đường ống dẫn nước phải được chôn ở độ sâu 40cm trở lên nhằm tránh sự va chạm làm vỡ ống. Hiện có ít nhất 9 đoạn ống nổi trên mặt đất đã bục vỡ do bị trâu bò giẫm, xe chạy qua đè vỡ hoặc người đi rừng dùng dao băm vào. Ba chiếc bể nằm kề nhau có sức chứa gần 400m3, nhưng ngay khi đưa nước vào thì chiếc bể lọc lớn nhất đã vỡ tung mảng tường rộng hàng chục mét vuông, 200m3 nước đổ ào ra ngoài, may là khi đó không có ai ở gần.

Ông Nguyễn Văn Hiển và Bí thư Chi bộ thôn Cua Chu, ông Nguyễn Văn Điểm kể: "Khi bể bị vỡ, cán bộ và bà con trong thôn lên kiểm tra mới phát hiện ra người ta xây bể không đúng thiết kế vì họ chỉ dùng sắt phi 8 và đan thưa 40x40cm, trong khi theo thiết kế thì phải dùng sắt phi 10 và đan dày 20x20cm. Sau sự cố vỡ bể, đơn vị thi công đã đổ bê tông lại một phần thành bể. Nhưng chắc sợ bể có thể vỡ tiếp nên họ đục thêm một ống xả nước tràn ở vị trí từ đáy bể lên chừng 2m. Như vậy, bể lọc xây cao gần 4m, nhưng chỉ chứa được 2m nước tính từ đáy lên".

Theo thiết kế, công trình nước sạch tự chảy sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho tất cả các hộ dân ở thôn Cua Chu, nhưng khi bàn giao công trình thì đường ống dẫn nước mới tới được một xóm của thôn, hai xóm còn lại chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường sinh sống vẫn không có đường ống dẫn nước vào. Do công trình vừa làm xong đã hỏng nên nhiều gia đình đầu tư tiền triệu làm bể chứa và đường ống dẫn nước vào nhà mà không được dùng nước sạch tự chảy ngày nào.

Vì sao chỉ bàn giao trên giấy?

Ông Phạm Đình Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh cho biết: "Cuối năm 2009, UBND xã Tản Lĩnh và cán bộ thôn Cua Chu được huyện bàn giao công trình trên giấy tờ, sổ sách chứ không đi bàn giao tại thực địa. Chính vì chỉ nhận bàn giao trên giấy nên địa phương không thấy những điểm thi công sai thiết kế. Lúc công trình không sử dụng được, xã tổ chức đi kiểm tra, phát hiện ra các thiếu sót, hư hỏng đã kiến nghị UBND huyện chỉ đạo khắc phục, nhưng đến nay vẫn phải chờ".

Ban lãnh đạo thôn Cua Chu (cấp ủy chi bộ và trưởng, phó thôn) được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, vận hành, tổ chức cho nhân dân sử dụng công trình nước sạch tự chảy, nhưng cũng không được bàn giao cụ thể về công trình này. Ngày 24-11-2009, đại diện lãnh đạo thôn Cua Chu được gọi ra UBND xã để nhận bàn giao công trình trên sổ sách, giấy tờ! Do không được bàn giao trực tiếp tại thực địa và không được tổ chức hướng dẫn vận hành, sử dụng, nên đến nay đã gần 3 năm mà cán bộ thôn Cua Chu vẫn không biết các van, khóa đóng mở nước ở đâu, trạm cấp nước vận hành thế nào, khi ống nước vỡ không biết xử lý ra sao nên nước cứ vô tư chảy mà bể chứa thì cạn khô đáy.

Khi chúng tôi tìm hiểu thông tin để thực hiện bài viết này, ông Nguyễn Doãn Duyệt, Phó Chủ tịch MTTQ xã Tản Lĩnh cho biết: "Điều rất đáng tiếc là gần 3 năm qua, thôn Cua Chu, xã Tản Lĩnh đã nhiều lần kiến nghị cấp trên khắc phục những hư hỏng của công trình nước sạch tự chảy, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết khiến người dân rất bức xúc".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đắng ngắt nước sạch Cua Chu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.