(HNM) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện khoảng gần 2,7 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân được đưa ra là do năm nay, các hãng điện tử trên thế giới tung ra nhiều sản phẩm mới, giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, từ cuối tháng 3 đến nay, tình hình tỷ giá đã trở nên "dễ chịu", việc mua USD cũng thuận lợi hơn; thuế nhập khẩu các mặt hàng điện tử từ khu vực AFTA hiện chỉ còn khoảng 5%, sắp tới sẽ còn tiếp tục giảm nữa theo lộ trình cũng là những lý do khiến hàng nhập khẩu về nhiều. Nhiều nhà phân phối lạc quan dự báo, thị trường vẫn có sức tăng trưởng cao, đặc biệt là về các mặt hàng điện tử, máy tính, điện lạnh.
Một khảo sát thực tế cho thấy, nếu trước đây, hàng điện tử, điện máy sản xuất, lắp ráp trong nước bày bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị điện máy thường chiếm tỷ lệ 70 - 80% thì nay hàng nhập khẩu đang chiếm ưu thế. Mặt hàng tivi, trước đây hàng sản xuất trong nước chiếm 70 - 80% thị trường thì nay hàng nhập khẩu nguyên chiếc đã chiếm hơn 60%. Các mặt hàng tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt nhập khẩu cũng chiếm trên 50%. Hàng điện gia dụng nhập khẩu chiếm hơn 80%. Riêng các mặt hàng kỹ thuật số gần như nhập khẩu 100%... Nhiều công ty của các hãng điện tử lớn cũng đã chuyển từ sản xuất, lắp ráp sang nhập khẩu hàng nguyên chiếc với số lượng gấp 3- 4 lần so với lượng hàng sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Sản xuất đã vậy, còn trên thị trường thì bên cạnh việc kinh doanh bình thường, các doanh nghiệp cũng đang sử dụng ngày càng nhiều hơn những "chiêu" khuyến mãi, giảm giá... để tiêu thụ hàng nhập khẩu với số lượng lớn vì lợi nhuận thu được cao hơn.
Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam vốn đã non trẻ, yếu ớt, càng chao đảo hơn trước "vấn nạn" nhập khẩu ồ ạt. Nhưng tình hình đó lại có vẻ chưa khiến các nhà quản lý, hoạch định chính sách lo lắng bởi cho đến nay không thấy có một báo cáo hay kiến nghị cụ thể gì với Chính phủ cả. Phía các doanh nghiệp nội, lẽ ra phải tính toán, đầu tư phát triển những sản phẩm ứng dụng phù hợp thì lại chưa tận dụng được cơ hội và sự ưu đãi của Nhà nước để vươn lên. Thế mới đáng lo!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.