(HNM) - Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng (BT) Việt Nam đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2005, trong đó đặt ra yêu cầu chỉnh lý nội dung trưng bày, đổi mới phương thức hoạt động nhằm thu hút công chúng đến với BT, đưa một số BT quan trọng của Việt Nam lên ngang tầm các BT trong khu vực và trên thế giới. Đến nay, đã 6 năm qua đi nhưng sự đổi mới của các BT vẫn chưa đủ mức.
Dịch vụ nghèo nàn, trưng bày lạc hậu
BT là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về tự nhiên, xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Một BT xứng tầm khu vực và thế giới, ngoài nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức, nâng cao trình độ của người dân thì còn phải đáp ứng nhu cầu về giải trí, mua sắm, nghỉ ngơi... Tuy nhiên, phần lớn trong hệ thống BT ở Việt Nam không đáp ứng được những nhu cầu này.
Du khách tham quan Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: Phương Thảo |
Dễ thấy là hệ thống dịch vụ, vốn là thế mạnh, không thể thiếu trong các BT nhiều nước thì ở ta, hệ thống ấy vừa nhỏ bé, đôi khi nhếch nhác, vừa không mấy liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của BT và bởi vậy, chúng không thể giúp thêm cho việc thu hút khách. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam chủ yếu bán hàng lưu niệm là tranh thêu, tranh phong cảnh, ảnh… Trước BT Cách mạng Việt Nam là hàng loạt cửa hàng ăn uống, bia hơi; trước BT Lịch sử quân sự là quán cà phê… PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc BT Dân tộc học Việt Nam phản ánh: "Tất cả những hoạt động kinh doanh dịch vụ tạp nham này đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu của khách".
Cùng với sự "được chăng hay chớ" của hệ thống dịch vụ, công tác trưng bày của đa số BT tỏ ra "chậm tiến". Ông Phạm Quốc Quân, Giám đốc BT Cách mạng Việt Nam thừa nhận: "Các nước thường có triển lãm giao lưu, chúng ta thì không có. Hoạt động trưng bày, triển lãm chưa phong phú, hoạt động phụ trợ hầu như chưa làm được dù Luật Di sản cho phép". Bà Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, người từng tham gia xây dựng đề án "Quy hoạch tổng thể BT Việt Nam" nhận xét: Hệ thống BT của chúng ta đang trong tình trạng có cái gì thì bày cái đó. Thậm chí, có nơi còn quan niệm BT như cuốn sách lịch sử nên cố gắng phục chế hiện vật, đưa tranh ảnh vào trưng bày cho có vẻ giống lịch sử. Cách này không còn hấp dẫn và không phù hợp với thực tế nữa.
Theo thống kê, cả nước hiện có 138 BT, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 172 BT, trong đó phần lớn là BT về lịch sử xã hội, về hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Lượng khách đến BT từ vài trăm lượt người/ngày trở lên chỉ có ở BT tốp đầu như BT Hồ Chí Minh, BT Cách mạng, BT Lịch sử, BT Dân tộc học Việt Nam… Số còn lại mỗi ngày chỉ đón vài chục lượt khách, thậm chí có BT cấp tỉnh vài tháng không có khách đến. Trong khi đó, mảng BT về thiên nhiên, về lịch sử tự nhiên ở nước ta còn nhạt, điều đó phần nào cho thấy hệ thống BT ở Việt Nam hiện nay không chỉ lạc hậu mà còn ở trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu.
Vừa khai thác, vừa bảo tồn
"Nếu mục đích của các BT là lưu giữ và truyền lại những giá trị văn hóa cho đời sau thì việc phát triển các hoạt động du lịch gắn với BT chính là cách quảng bá và truyền thụ văn hóa Việt Nam" - ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành khẳng định. Ông cho biết: Du lịch văn hóa ở nhiều nước trên thế giới phát triển thông qua việc khai thác một cách hợp lý giá trị của BT. Đơn cử như BT Louvre ở thủ đô Pari (Pháp) thu hút xấp xỉ 10 triệu lượt khách/năm nhờ cho thuê đóng phim và bán các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. "Chiến thuật" này vừa giúp BT Louvre quảng bá hình ảnh miễn phí trên truyền hình của nhiều nước, vừa mang lại nguồn thu khổng lồ. Tương tự, để thu hút khách, Viện BT Picasso (Tây Ban Nha) trưng bày hiện vật ở những nơi khách dễ thấy nhất và dùng kỹ thuật làm nổi bật màu sắc, hình dạng, hoa văn của các hiện vật đó lên…
Từ những gì mắt thấy, tai nghe trong những chuyến đi thực tế, ông Vũ Thế Bình nhận định: Hệ thống BT ở Việt Nam mới chú trọng tới hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm theo cách truyền thống mà chưa quan tâm đến việc đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ, chưa chú trọng quảng bá hình ảnh và thương hiệu. Từ quan điểm đó, ông cho rằng "chìa khóa" để giải quyết triệt để mọi vấn đề chính là tư duy của người làm công tác quản lý, nhận thức của người dân và kinh phí. Cần phải có kinh phí để nâng cấp nội dung, quảng bá hình ảnh BT, để trả công xứng đáng cho cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực này, giúp họ có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn và tận tâm với công việc. Khi nguồn kinh phí nhà nước còn eo hẹp, các BT cần nâng giá vé tham quan để tái đầu tư, bởi khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài, sẵn sàng chi trả để được hưởng thụ những giá trị văn hóa độc đáo. Bài học thành công của BT Dân tộc học Việt Nam cho thấy điều đó.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để có thể tăng cường khai thác giá trị văn hóa, liên kết với du lịch, các đơn vị phải chú trọng tới việc bảo tồn nguyên gốc giá trị văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc, không thể coi nhẹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.