Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đăng ký thất nghiệp tăng vọt, vì sao?

Trung Hưng| 23/11/2011 06:08

(HNM) - Trong 10 tháng đầu năm 2011, lao động đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố) tăng vọt, xấp xỉ 14,5 nghìn người. Những ngày đầu tháng 11, người đến đăng ký, nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm đông như… các phiên giao dịch việc làm. Điều gì đang xảy ra?

Đủ lý do

Bùi Thị Thu, 22 tuổi, quê ở Hạ Bì (Kim Bôi, Hòa Bình). Gia đình Thu là một đoàn tàu dài dằng dặc, cô là "toa" đứng gần chót trong số sáu anh chị em. Thân ai tự người nấy lo. Thu làm công nhân lắp ráp điện tử tại Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi Hanel, thu nhập mỗi tháng được khoảng 2 triệu đồng. Đang tuổi thanh niên, đủ thứ phải chi tiêu, giá cả lại tăng vòn vọt, để tiết giảm triệt để "phần chi", Thu phải cùng hai người bạn khác thuê chung một căn phòng trọ chật hẹp. "Nhu yếu phẩm" nào có thể mang từ quê được, ba chị em đều cố gắng… tận dụng. Cuối tháng 10 vừa rồi, sau khi đã xoay xỏa hết cách, cô làm đơn đăng ký thất nghiệp để về quê sinh sống.

Nhiều ngày liền, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội lâm tình trạng quá tải do lao động đăng ký thất nghiệp “ào” đến quá đông.

Phùng Thị Lan, quê ở Đông Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương) lại nghỉ việc vì lý do khác. Hai vợ chồng Lan cùng làm ở Công ty CP Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông. Lương ba cọc ba đồng, con nhỏ ở quê với ông bà, Lan than thở: "Không đủ sống, chứ chưa nói gì đến nuôi con, tích cóp". Hai vợ chồng bàn đi tính lại chán, cô làm cái đơn đăng ký thất nghiệp, về quê nuôi con. Thời điểm Lan xin nghỉ, nhiều đồng nghiệp khác cũng "vật vờ". Cô nói: "Công ty đang trong giai đoạn khó khăn, nhiều người được cho tạm nghỉ chờ việc".

Nguyễn Thị Thùy Linh (ngõ 898 đường Láng, Hà Nội) may mắn hơn Thu, Lan. Doanh nghiệp khó khăn, Linh xin nghỉ, đi đăng ký thất nghiệp xong, cô đã tìm được công việc mới nhưng thu nhập cũng không khá hơn.

Ào ào đi đăng ký

Ngày 9-11 là một trong những ngày "cao điểm" tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội khi có tới hơn 600 người lao động đến đăng ký thất nghiệp. Trụ sở trung tâm và khu vực này (phố Trung Kính) trở nên quá tải. Trung tâm phải "chiếm dụng" hẳn một đoạn đường làm bãi đỗ xe và phần vỉa hè để người lao động có chỗ đứng. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội) cho biết: "Lao động đến đăng ký thất nghiệp rải rác từ quý III nhưng đã tăng đột biến từ tháng 10. Những "nguồn cung" lao động thất nghiệp lớn là Công ty Dệt 8-3 (hơn 1.000 lao động), Hanosimex (khoảng 2.300 lao động), Công ty Cơ khí Hà Nội (khoảng 300 lao động), Công ty Thiết bị điện (hơn 100 lao động)... Trước đó, chỉ riêng tháng 9 đã có hơn 2.000 người đăng ký thất nghiệp. Còn tháng 11, đến nay đã có hơn 1.300 người đăng ký.

Nhân viên Phòng Bảo hiểm thất nghiệp tư vấn cho người lao động làm hồ sơ đăng ký thất nghiệp.

Đến thời điểm này, Phòng Bảo hiểm thất nghiệp đã tiếp nhận hơn 18.000 lao động đến đăng ký thất nghiệp, đã hoàn thiện hồ sơ cho 16.000 trường hợp. Hầu hết người lao động ở Hà Nội, một số ít ở tỉnh ngoài. Với khoảng 50 nhân viên, 8 địa điểm tiếp nhận, Phòng Bảo hiểm thất nghiệp làm không xuể. Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Loan, phần lớn người đăng ký thất nghiệp là lao động phổ thông, nhưng năm nay đã xuất hiện cả lao động có chất lượng cao, thậm chí có cả người nắm các vị trí quản lý: "Con số này vào khoảng 10%. Họ làm ở các dự án, tổ chức nước ngoài, lương cao nhưng áp lực lớn nên xin nghỉ. Cũng nhiều người mất việc bởi dự án đã kết thúc. Một số khác làm quản lý xin chuyển từ công ty này sang công ty khác".

Cơ hội nào?

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-1-2009. Tuy nhiên, cả năm 2010, Hà Nội chỉ có 3.564 người đăng ký thất nghiệp, 2.974 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, 2.816 người có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng, 28 người có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp một lần... Số người đi đăng ký thất nghiệp đông, nhân viên Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội làm không có ngày nghỉ thì Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội cũng vất không kém. Theo một cán bộ Phòng Chế độ (Bảo hiểm Xã hội thành phố), 10 tháng đầu năm 2011, phòng đã giải quyết chế độ cho hơn 28 nghìn lao động bị mất việc làm.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan khẳng định: Có ba nguyên nhân khiến người đăng ký thất nghiệp tăng vọt. Thứ nhất, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp đã được biết đến rộng rãi hơn và cũng rất thông thoáng. Thứ hai, kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, giải thể, thậm chí phá sản. Đồng thời, do phải di dời trụ sở, những công ty lớn như Dệt 8-3, Hanosimex... phải tạm ngừng sản xuất hoặc người lao động không thể đến làm việc tại địa bàn mới do điều kiện gia đình.

Trước đó, một khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho thấy, khoảng 60% doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng phải cắt giảm lao động, số khác hoạt động rất khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may. Trong số này, một tỷ lệ lớn đóng trên địa bàn Hà Nội. Đáng lo ngại ở chỗ tình trạng này được dự báo sẽ còn kéo dài.

Cách đây chưa lâu, từng có ý kiến lo ngại việc lợi dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp khá thông thoáng để trục lợi. Chẳng hạn, người lao động chủ động chuyển đơn vị và lấy quyết định nghỉ việc để làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp hoặc người lao động vẫn làm việc nhưng doanh nghiệp lại ra quyết định cho nghỉ để "trốn" bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho họ. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Loan cho rằng "nếu có tình trạng này thì cũng rất ít bởi mức hỗ trợ không lớn".

Mất việc, cả một gánh nặng đè vai người lao động. Khảo sát của Phòng Bảo hiểm thất nghiệp cho thấy, năm nay trong khi số người đi đăng ký thất nghiệp tăng vọt lại xuất hiện thêm khó khăn mới là nhiều người đã có tuổi, tìm việc mới không dễ dàng. Đang trong "độ tuổi vàng", Bùi Thị Thu cũng chưa có dự định gì khác… Cô nói, "cứ tạm nghỉ xem sao, nhiều bạn em cũng vậy".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đăng ký thất nghiệp tăng vọt, vì sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.