(HNM) - Việc thiếu sự liên thông giữa công chứng và văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hiện nay đã tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo mua bán tài sản nhiều lần, làm giả giấy tờ nhà đất…
Nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Hà Nội cho rằng, cần khắc phục bất cập này bằng cơ chế liên thông hai trong một. Nếu được đồng ý, các thủ tục, hồ sơ khai báo về biến động đất đai sẽ do chính lực lượng công chứng viên đảm nhận.
Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong công tác đăng ký quyền sử dụng đất. Ảnh: Linh Ngọc |
Chưa có cơ chế phối hợp giữa công chứng và VPĐKQSDĐ
Theo quy trình hiện tại, cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện chuỗi thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất phải qua hai lần nộp hồ sơ tại hai cơ quan là tổ chức công chứng, VPĐKQSDĐ với một số thành phần hồ sơ và hoạt động giống nhau. Ngoài ra, còn phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục liên quan đến đất đai về chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp… Quy trình tốn nhiều thời gian, công sức là vậy, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn phát sinh nhiều kẽ hở và hệ lụy. Chính do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan công chứng và VPĐKQSDĐ dẫn đến tình trạng nhiều hợp đồng giao dịch đã công chứng nhưng chưa đăng ký tại VPĐKQSDĐ để phục vụ công tác quản lý theo dõi biến động đất. Lợi dụng sự thông thoáng này, không ít kẻ xấu đã bán nhà, đất và làm thủ tục giao dịch với người mua tại văn phòng công chứng, lại tiếp tục ký kết, giao dịch hợp đồng với người thứ 3 tại một văn phòng công chứng khác hoặc làm giả giấy tờ nhà đất, bán khống cho những người ham rẻ, cả tin.
Khắc phục tình trạng kể trên, sáng kiến liên thông các thủ tục liên quan đến đất đai, nhà ở tại Hà Nội do Sở Tư pháp phối hợp với VPĐKQSDĐ và các tổ chức hành nghề công chứng nghiên cứu dự kiến đưa ra quy trình hai trong một. Theo đó, người yêu cầu công chứng chỉ phải đi lại 2 lần với đầu mối tại tổ chức hành nghề công chứng và nhận kết quả tại đây. Các hoạt động phải đến VPĐKQSDĐ để thực hiện thủ tục khai báo, đến cơ quan thuế thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ do chính tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Theo Chủ tịch Hiệp hội Công chứng TP Hà Nội Chu Văn Khanh, đây là mô hình phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp Chính phủ đặt ra. Chỉ riêng việc công bố công khai thông tin theo chu trình liên thông đã giúp giảm gian lận, lừa đảo trong quá trình công chứng những loại hồ sơ này. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc phối hợp này, nhiều quận, huyện bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi trong điều kiện hiện tại.
Liệu có liên thông được?
Đại diện VPĐKQSDĐ quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì đều cho hay, hiện các VPĐKQSDĐ còn cập nhật dữ liệu bằng phương pháp thủ công trên giấy. Do đó, nếu các tổ chức hành nghề công chứng và các VPĐKQSDĐ phối hợp chưa kịp thời, chặt chẽ như hiện nay, sẽ rất khó khăn cho việc xây dựng quy trình liên thông. Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng TP Hà Nội Chu Văn Khanh thẳng thắn cho rằng, ngoài nguyên nhân liên kết lỏng lẻo, còn có chuyện xử lý thiếu thống nhất. Không ít trường hợp công chứng hợp đồng mua bán đất đai xong, người dân mang hợp đồng đến VPĐKQSDĐ, nhưng mỗi văn phòng lại có quy trình, cách thức tiếp nhận riêng. Nơi thì đánh giá hợp đồng làm vậy đã chuẩn, nơi thì chê chưa được và yêu cầu làm lại. Từ thực tiễn hoạt động, Trưởng phòng Công chứng số 6 Nguyễn Xuân Bang khẳng định, ngoài hiện tượng trên, một số văn phòng còn yêu cầu công dân nộp toàn bộ hồ sơ đã trình công chứng dẫn đến tình trạng người dân phải trình hồ sơ 2 lần. Nhiều trường hợp vì phải lo nhiều thủ tục nên nộp hồ sơ muộn, làm chậm quy trình nộp thuế đất. Khi liên thông, VPĐKQSDĐ và công chứng phải bắt tay làm việc với nhau và đề ra một quy trình tiếp nhận văn bản, dữ liệu thống nhất. Từ đây, sẽ có những lợi ích đột phá trong quản lý đất đai, đạt mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức cho tổ chức, công dân.
Như vậy, có thể thấy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các cơ quan tiếp nhận hồ sơ cần mạnh dạn thay đổi tư duy làm việc. Bởi khi đã biết vướng mắc ở đâu, thì không thiếu phương án điều chỉnh cho phù hợp. Để thực hiện được mô hình hai trong một, quan trọng nhất là VPĐKQSDĐ các quận, huyện và văn phòng công chứng phải phối hợp chặt chẽ với nhau. Và nếu đề xuất văn phòng công chứng là cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ thì đồng thời phải quy định cụ thể trong thời gian bao lâu VPĐKQSDĐ phải trả kết quả thẩm định, xét duyệt cho văn phòng công chứng để ấn định thời gian giải quyết thủ tục cụ thể cho người dân và mới dễ quy trách nhiệm của các bên, tránh được hiện tượng chỉ hợp tác trên giấy. Theo ông Mai Thiện Thành, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp), đây là đề xuất hay, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện các khảo sát thực tế tại các tổ chức hành nghề công chứng, các VPĐKQSDĐ tại Hà Nội và tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước để bổ sung, hoàn thiện sáng kiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.