(HNMO) - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 7-6, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, xử lý đơn đăng ký quyền bảo hộ công nghệ, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa vẫn còn hạn chế, một phần do số lượng đơn đăng ký tăng mạnh trong thời gian qua, một phần do đây là một lĩnh vực vẫn còn mới.
Với vấn đề đăng ký quyền bảo hộ công nghệ, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa bị tồn đọng và không được giải quyết được đại biểu Đinh Ngọc Quý (Đoàn Gia Lai) đặt ra, Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ đang rất trăn trở về việc này do khả năng xử lý đơn của đơn vị vẫn còn hạn chế, một phần do số lượng đơn đăng ký tăng mạnh thời gian qua, một phần do đây là một lĩnh vực vẫn còn mới.
“Thủ tục, quy trình xử lý đơn đăng ký vẫn còn chậm, chưa ứng dụng được các công nghệ và hạn chế về nguồn nhân lực dẫn đến số lượng đơn tồn đọng về đăng ký bằng sáng chế và nhãn hiệu vẫn còn rất lớn. Đến ngày 31-12-2022, còn hơn 64.000 đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và khoảng 20.000 đơn đăng ký bằng sáng chế chưa được xử lý”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Bộ trưởng cho biết, sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, kết hợp với điều chỉnh các quy trình nhận và xét đơn, tăng cường tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân sự để giúp xử lý vấn đề. “Tuy nhiên, ít nhất phải đến năm 2025 hoặc 2026 mới có thể giải quyết vấn đề này”, Bộ trưởng nói.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) về ứng dụng khoa học, công nghệ vào thị trường, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong thời gian qua, nhiều công nghệ mới, tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành Y tế, Viễn thông, Giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Bộ trưởng cho rằng, vẫn còn vướng mắc khi cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy, khó tiếp cận với các doanh nghiệp, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kèm chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng hạn chế. “Trong thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam”, Bộ trưởng nói.
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, tính ứng dụng của nhiều đề tài khoa học còn thấp. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, khoa học, công nghệ là ngành đặc thù, rủi ro. Do vậy rất khó để đánh giá thành công của các đề tài nghiên cứu. Các đề tài nghiên cứu nhưng sẽ có giá trị trong nhiều năm sau này. Có những đề tài phải mất nhiều thời gian mới có thể ứng dụng vào thực tế và đánh giá mức độ thành công, do vậy không thể thống kê một cách đầy đủ và rất khó để thống kê hoàn chỉnh. “Công tác thống kê là khó”, Bộ trưởng nói và cho biết sẽ cố gắng cung cấp số liệu một cách đầy đủ trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.