Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đăng cai ASIAD 18 - Hà Nội 2019 sẽ tạo đà phát triển toàn diện

Mai Hoa| 15/04/2012 06:36

(HNM) - Đề án vận động đăng cai ASIAD lần thứ 18 - 2019 tại Việt Nam vừa hoàn thành đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nếu được Chính phủ phê duyệt, bộ hồ sơ vận động đăng cai sẽ được gửi tới Hội đồng Olympic Châu Á (OCA) vào ngày 15-5 và theo lộ trình, tên nước đăng cai ASIAD 2019 sẽ được công bố vào tháng 11-2012. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc đối thoại với ông Hoàng Vĩnh Giang - người chắp bút đề án - để làm rõ những vấn đề liên quan đến bản đề án gây xôn xao dư luận này.

Ông Hoàng Vĩnh Giang.


150 triệu USD - nhiều hay ít?

- Thưa ông, bản đề án dự trù kinh phí đăng cai ASIAD 2019 tại Việt Nam vào khoảng 150 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng). Hiện tại đã xuất hiện những luồng ý kiến trái chiều, cho rằng con số này là phi thực tế vì tổ chức ASIAD tại Việt Nam thì cần phải chi cỡ 2 tỷ USD. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Quan niệm "rẻ" hay "đắt" phải xem xét từ nhiều khía cạnh. Thực ra, con số 150 triệu USD nêu trong đề án là để trình Chính phủ những khoản chi trực tiếp liên quan đến công tác đăng cai tổ chức đại hội…

- Nói vậy thì tính khả thi của đề án nằm ở đâu, bởi tổ chức một hoạt động cỡ như ASIAD thì ngoài lo huấn luyện, đào tạo VĐV còn cần phải dự trù xây dựng đường sá, công trình thi đấu…?

- Đề án được soạn khi "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030" cùng bản "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu không có những cơ sở vững vàng ấy thì ai dám nghĩ đến chuyện đăng cai.

- Ta đã nghe nhiều về vấn đề quy hoạch tổng thể, từ văn bản chiến lược đến thực tế là cả một vấn đề. Xác định "ăn theo" một chủ trương dài hạn, định hướng tới năm 2030, trong khi thời gian tổ chức ASIAD 18 đã xác định là năm 2019. Có ngại bất trắc không, thưa ông?

- Nguồn kinh phí chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thành Quy hoạch của Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, ước khoảng 30 tỷ USD, riêng giao thông là 20 tỷ USD, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.

Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam. Đảng, Nhà nước, Chính phủ hoạch định đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Khi đó, Hà Nội có đường tàu trên không, gần 20 cầu, hầm ngầm qua sông Hồng, sông Đà, sông Đuống... và đường cao tốc từ Hà Nội đi các tỉnh, thành đăng cai ASIAD. Những công trình này, dù có ASIAD hay không cũng vẫn sẽ được đầu tư, đó chính là cơ sở quan trọng giúp Hà Nội - Việt Nam có thể giành quyền đăng cai và tổ chức ASIAD thành công.

- Ông nghĩ gì về ý kiến cho rằng bỏ ra số tiền lớn như vậy trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay là sự lãng phí?

- Kinh phí đăng cai 150 triệu USD là ít hay nhiều? Tôi nghĩ ngay lập tức kết luận vấn đề là quá sớm, cần phải được xem xét tổng thể được - mất và điều đó sẽ được cấp có thẩm quyền đánh giá toàn diện.

Từ góc độ cá nhân, tôi không hiểu làm sao có thể coi việc đăng cai một đại hội thể thao tầm cỡ lớn nhất Châu Á là một sự đầu tư lãng phí? Đăng cai ASIAD là dịp tuyên truyền về một Việt Nam hòa bình, thân thiện, ổn định về chính trị, an toàn xã hội. Quảng bá đất nước, con người thông qua các sự kiện thể thao là chân lý không bao giờ lạc hậu. Việc giành được quyền đăng cai sẽ là một thắng lợi quan trọng, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đó đâu phải là chuyện của riêng thể thao! Đó sẽ là một "cú hích lịch sử" về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, du lịch, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với vô vàn cơ hội kinh doanh… Nó sẽ có tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống xã hội.

Đừng đánh giá thấp sự phát triển của Việt Nam! Ở thời điểm trước đây không lâu, có mấy ai tưởng tượng Việt Nam đạt được những thành tựu như bây giờ không?

Cơ hội hiếm có

- Nhiều người băn khoăn có nên đăng cai và đăng cai ASIAD vào năm 2019 có phù hợp hay không?

 - Không bao giờ phù hợp hơn bây giờ! Đây là cơ hội hiếm hoi khi tình hình tại các nước Tây Á, Trung Á, Nam Á, thậm chí một số nước Đông Nam Á còn có bất ổn. Đông Á thì không thể ba lần liên tục tổ chức Á vận hội. Việt Nam nổi lên là một ứng viên sáng giá nhờ sự ổn định về chính trị, có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế và Hà Nội đang trong quá trình phát triển nhanh.

Nếu không tranh thủ thì không biết bao giờ Việt Nam mới được quyền đăng cai. Nói vậy là bởi ngay bây giờ tôi có thể đọc ra những nước nào được đăng cai ASIAD các kỳ tới, trong vòng 30 năm nữa. Tất cả đều nằm trong lộ trình của OCA. Hơn nữa, chẳng lẽ cứ khó khăn thì chúng ta không dám có những bước đột phá ư? Cứ thấy khó là lùi thì đâu có Việt Nam ngày nay!

- Nghe ông nói, có vẻ như cơ hội lớn. Nhưng cũng có những nước khác tìm cách tận dụng cơ hội, đâu phải chỉ có Việt Nam là ứng viên?

- Theo tôi, đối thủ chính đáng kể hiện chỉ có Indonesia, nhưng trình độ tổ chức các đại hội thể thao của nước bạn còn chưa nhận được sự tin tưởng, nhất là sau việc tổ chức SEA Games năm 2011. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ được OCA và các nước đánh giá cao hơn. Tôi xin nhắc lại: hoặc là bây giờ, hoặc… không biết đến bao giờ ta có cơ hội nữa. Việc hôm nay, chớ để ngày mai!

- Nhưng quả là có nhiều vấn đề đáng lo trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khó khăn…

- OCA sẵn sàng tạo điều kiện cho chúng ta, đích thân Chủ tịch OCA đã khẳng định rằng Việt Nam không cần phải xây mới các công trình thể thao phục vụ ASIAD.

- Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề quan trọng này?

- Thực tế là về cơ bản, chúng ta đã có đủ cơ sở vật chất sau SEA Games 22 và AIG 3.

- Ông nói vậy, có tính tới thực tế là hệ thống hạ tầng phục vụ tổ chức thi đấu ấy đã được khai thác trong một thời gian dài, có thể đã xuống cấp?

- Tôi nghĩ chỉ cần nâng cấp, bảo dưỡng là được. Tổ chức ASIAD cũng là dịp để ta bảo dưỡng, sử dụng cơ sở hạ tầng thể thao, tránh sự bỏ không - lãng phí.

- Trên đây, ông có nói tổ chức ASIAD là tạo ra cú hích về mặt kinh tế - xã hội, có thể hình dung một việc cụ thể nào đó?

- Chẳng hạn như cùng với sự nâng cấp các công trình thể thao, mạng lưới giao thông, các khách sạn cũng sẽ được nâng cấp đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Bộ mặt đô thị và lối sống của người dân sẽ có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng văn minh, hiện đại, tạo bước ngoặt quan trọng để đưa Hà Nội trở thành một trong những thành phố lớn, hiện đại, một điểm đến quan trọng về du lịch, đầu tư.

Ngoài ra, nguồn lực đầu tư chuẩn bị ASIAD là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

- Đề án có đề cập việc xây nhà thi đấu 10.000 chỗ ngồi để tổ chức lễ bế mạc ASIAD. Rõ ràng là ta có thể tiết kiệm khoản đó nếu bế mạc tại SVĐ Mỹ Đình!

- Ý kiến này có lý. Nếu không xây nhà thi đấu này thì kinh phí chỉ còn 100 triệu USD. Nhưng đó không phải vấn đề chính bởi dù không đăng cai ASIAD thì về lâu dài Việt Nam vẫn cần một nhà thi đấu đa năng khoảng một vạn chỗ, đủ tầm tổ chức các hoạt động lớn.

Với công trình thể thao thì không nên tính bao nhiêu năm mới thu hồi vốn. Giá trị của TDTT là sức khỏe, là nhu cầu giải trí của nhân dân. Chính phủ đã quy hoạch 245ha ở Xuân Trạch, Đông Anh cho ASIAD. Điều đó đáng quý vô cùng đối với con em chúng ta sau này.

Có phải ngành thể thao "ngủ" đâu!

- Nhiều chuyên gia cho rằng lực lượng HLV, VĐV của ta hiện còn ở khoảng cách xa với châu lục. Thi đấu trên sân nhà mà "lúi xùi" quá thì cũng ngại…

- Sân chơi quá tầm ư? Cho rằng 7 năm sau Việt Nam không có lực lượng hùng mạnh ư? Tại sao lại thiếu tôn trọng những người làm thể thao thế!

Mấy năm trước, có ai nghĩ điền kinh Việt Nam sẽ giành 3 HCB tại ASIAD Quảng Châu 2010? Có ai nghĩ Hoàng Quý Phước có thể giành 2 HCV SEA Games, vượt chuẩn B Olympic môn bơi lội? Có ai ngờ Phan Thị Hà Thanh đàng hoàng giành vé dự Olympic ở môn khó như TDDC, xếp thứ 3 thế giới?…

- Nói vậy thì niềm tin của ông đặt vào đâu?

- Ta đang thực hiện đúng Chiến lược quốc gia về phát triển TDTT hướng đến tầm ASIAD và Olympic. Bây giờ đã vậy thì 7 năm nữa còn mạnh hơn nhiều. Biết bao VĐV đã hy sinh cả tuổi thơ vì màu cờ sắc áo Tổ quốc! Biết bao cán bộ, HLV hy sinh công việc gia đình để dành thời gian đào tạo VĐV và chắc chắn việc đăng cai ASIAD sẽ là động lực mạnh mẽ giúp họ phấn đấu. Có phải ngành thể thao Việt Nam "ngủ" đâu!

- Vâng, nhưng ý tôi là cơ sở thực tiễn cho việc này cơ! Năm 2019, ta có thể trông vào những gì?

- Năm 2019 Vũ Thị Hương, Nguyễn Tiến Minh, Phan Thị Hà Thanh… không thi đấu nữa nhưng ta còn lứa trẻ TDDC, những Chu Hoàng Diệu Linh (taekwondo), Hoàng Quý Phước (bơi), Việt Anh (nhảy cao). Hàng loạt VĐV trẻ
ở karatedo, bắn súng, vật, taekwondo, judo, đấu kiếm, cử tạ, đua thuyền... chắc chắn sẽ là ẩn số "vàng", miễn sao được đầu tư tập trung hơn.

- Đề án cần được Chính phủ duyệt, sau đó hồ sơ xin đăng cai phải được OCA chấp nhận. Ông có thể lượng hóa cơ hội của Việt Nam?

- Cơ sở pháp lý của việc này rất rõ ràng. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương (tại công văn số 3401/VPCP-KGVX ngày 21-5-2010). Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 đã giao nhiệm vụ đăng cai ASIAD. UBND TP Hà Nội thống nhất chủ trương (tại công văn số 9245/UBND-VHKG ngày 15-11-2010)… Đặc biệt, Nghị quyết 08-NQ/TƯ ngày 1-12-2011 của Bộ Chính trị có giao nhiệm vụ về ASIAD.

Còn về phía OCA, cơ hội là rất lớn. Nhiều nước Tây Á, Đông Á, Trung Á, Nam Á sẽ ủng hộ Việt Nam. Các nước Đông Nam Á, theo tôi hiểu thì cũng có quá nửa ủng hộ ta.

- Đăng cai một đại hội tầm cỡ châu lục thực sự là một cơ hội không dễ đến. Ông có tin là thuyết phục được mọi người?

- "Nói phải củ cải cũng phải nghe" (cười). Đùa chút thôi, nhưng thử nghĩ xem, đến năm 2019 Việt Nam sẽ phát triển thế nào? Con số 100-150 triệu USD không phải lớn so với một quốc gia công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại vào năm 2020, có tổng dân số gần 100 triệu người.

- Cả đời ông gắn bó với thể thao, cũng có thể gọi là thành đạt, hiện vẫn là PCT kiêm TTK UB Olympic Việt Nam. Đáng ra ông đã có thể an nhàn, sao cứ phải khổ thế?

- Tôi năm nay đã 66 tuổi rồi, tham gia vận động đăng cai với tư cách một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, yêu ngành, yêu nghề…

- Xin lỗi, ngoài ý chí, niềm tin thì đằng sau công việc này phải là mong ước, danh dự, lợi ích gì đó. Ý tôi là lợi ích chính đáng ấy?

- Tôi được gì ư? Tiền thì chưa nhận, nhưng sau khi đề án xong thì cũng sẽ được vài ba triệu đồng. Tôi tham gia, canh cánh trong lòng về uy tín và nhiệm vụ của một cán bộ được Đảng, Nhà nước, ngành cử ra làm đại diện cho UB Olympic quốc gia Việt Nam trong phong trào thể thao Olympic quốc tế. Tôi biết rõ mình đang làm gì, xin khẳng định lại rằng việc giành quyền đăng cai ASIAD không đơn giản, nhưng nếu thành công thì mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.

Hơn nữa, tôi là hậu nhân của một gia đình trí thức cách mạng. Tôi làm là để không cảm thấy ân hận về sau.

- Xin cảm ơn ông!

Một số thông tin về đề án


- Thời gian tổ chức dự kiến: Tháng 11 hoặc 12-2019 (16 ngày)

- Nơi đăng cai chính: Hà Nội

- Các địa phương vệ tinh: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nam, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

- Quy mô ASIAD: 45 đoàn với 11.000 VĐV, HLV; 1.000 quan khách quốc tế, 1.000 trọng tài quốc tế; 8.000 hướng dẫn, phiên dịch, tình nguyện viên, 2.000-3.000 phóng viên báo chí.

- Dự kiến tổ chức 35 môn, trong đó có 26 môn Olympic bắt buộc và 9 môn khác (5 môn lựa chọn theo thỏa thuận với OCA và 4 môn Việt Nam đề xuất là Vovinam, đá cầu, cờ, squash).

- Dự kiến thành tích đạt được của TTVN: 10-16 HCV, xếp từ thứ 10 đến thứ 6 toàn đoàn.

- Dự trù kinh phí thực hiện:

+ Kinh phí vận động đăng cai: 392.000 USD

+ Kinh phí đăng cai tổ chức: 152 triệu USD (trong đó có 1 triệu USD tiền đặt cọc cho OCA sau khi ký hợp đồng, 15 triệu USD cho OCA để thực hiện chiến dịch tuyên truyền và quan hệ công chúng).

- Một số công trình xây mới đáng chú ý: Khu ASIAD Hà Nội Xuân Trạch - Đông Anh; nâng cấp, xây mới một số hạng mục cho kênh đua thuyền rowing, canoe-kayak Lạc Long Quân - Hồ Tây; xây một sân xe đạp lòng chảo ở Mỹ Đình, xây một nhà thi đấu 10.000 chỗ ngồi tại Mỹ Đình...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đăng cai ASIAD 18 - Hà Nội 2019 sẽ tạo đà phát triển toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.