LTS: Nhân kỷ niệm 83 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Ðảng (15/10/1930 - 15/10/2013), Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã có bài viết đánh giá kết quả của công tác dân vận và những chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn Thủ đô thời gian qua. Hànộimới trân trọng giới thiệu bài viết của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trong số báo này.
Trong bài viết “Dân vận” trên Báo Sự thật, ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Hơn 60 năm qua, cùng với toàn Đảng, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn quán triệt sâu sắc và ra sức phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Trước yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô thời kỳ mới, Trung ương Đảng và Quốc hội đã có quyết định lịch sử, điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Theo đó, từ ngày 1-8-2008, địa giới hành chính Thủ đô được mở rộng, với diện tích 3.328,89km2, dân số gần 6,4 triệu người (hiện nay, dân số là hơn 7 triệu người, trong đó có gần 81 vạn người thuộc 49 dân tộc thiểu số và có 200.377 tín đồ hoạt động trong 7 loại hình tôn giáo); gồm 29 quận, huyện, thị xã; 577 xã, phường, thị trấn. Với quy mô và tầm vóc mới, Hà Nội có thêm nguồn lực, điều kiện để phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
Song, bên cạnh những thuận lợi cơ bản và có ý nghĩa lâu dài, Thành phố phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do phạm vi quản lý rộng lớn hơn, các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội đa dạng hơn; nhiều địa bàn xa trung tâm hơn; cùng một lúc phải giải quyết nhiều việc, từ hợp nhất bộ máy, tổ chức, cán bộ, đến quản lý đô thị, xây dựng, phát triển khu vực nông thôn rộng lớn; vừa bảo đảm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, vừa bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống, v.v... Điều đó không chỉ đòi hỏi bản lĩnh, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, mà còn rất cần sự đồng lòng, chung sức của các tầng lớp nhân dân Thủ đô và sự ủng hộ của Trung ương, sự phối hợp, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước.
Nhận thức rõ trách nhiệm của mình với Thủ đô và cả nước, Thành ủy Hà Nội đã tập trung triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành phố về công tác dân vận, tạo nhiều chuyển biến, với một số kết quả nổi bật là:
1. Phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy về công tác dân vận có nhiều đổi mới, góp phần phát huy vai trò là trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân của Đảng
Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Thành ủy và các cấp ủy đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chấn chỉnh lề lối, phong cách làm việc theo hướng trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân; hướng mạnh về cơ sở, bám sát thực tiễn, kịp thời phát hiện, xử lý, tháo gỡ những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân; đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; đồng thời, phát huy dân chủ, đi liền giữ vững kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nói đi đôi với làm.
Những năm qua, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố bằng các chương trình công tác lớn. Căn cứ tình hình thực tế từng thời điểm, Thành ủy xác định nhiệm vụ trọng tâm, nội dung trọng điểm, tập trung chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm, hiệu quả, tạo chuyển biến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phương châm “kiên trì, đồng bộ, linh hoạt, đúng pháp luật” luôn được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thực hiện nhất quán trong công tác vận động quần chúng và giải quyết thành công nhiều vụ việc phức tạp, nhạy cảm, nhất là, những việc liên quan đến dân tộc, tôn giáo, và những mâu thuẫn phức tạp trong nội bộ nhân dân.
Việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận được triển khai khẩn trương, đồng bộ, từ khâu ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức quán triệt, thực hiện, đến việc kiểm tra, đôn đốc và sơ kết, tổng kết. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của công tác dân vận trong tình hình mới. Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là trong các loại hình mới theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Cùng với đó, Thành ủy luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng; công tác cán bộ, từ việc đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ phù hợp với năng lực, phẩm chất và yêu cầu nhiệm vụ, đến việc luân chuyển cán bộ. Nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, tích cực sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, yếu kém bằng những việc làm cụ thể theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn, gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm để nhân dân tin tưởng, noi theo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận trong giai đoạn cách mạng mới.
Tổ chức và hoạt động của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội được Thành ủy thường xuyên quan tâm chăm lo; công tác lãnh đạo, chỉ đạo vừa bảo đảm đúng định hướng chính trị, tuân thủ pháp luật, vừa phát huy vai trò chủ động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, mục đích và điều lệ hoạt động của từng tổ chức. Duy trì thường xuyên chế độ giao ban công tác giữa Thường trực cấp ủy với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội.
2. Công tác dân vận được các cấp chính quyền Thành phố chú trọng, chăm lo giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân
Để xây dựng chính quyền thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, các cấp ủy đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền thực hiện công tác dân vận theo phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; vận dụng có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng của Thủ đô; thực hiện tốt các Chương trình công tác của Thành ủy.
Với tinh thần “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, chính quyền thành phố đã tập trung chỉ đạo, giải quyết hiệu quả những vấn đề thiết thực đến đời sống của nhân dân; hết sức quan tâm lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng của nhân dân. Kịp thời điều chỉnh những chủ trương, cách làm không phù hợp; quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, người nghèo, người khuyết tật. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời xem xét, giải quyết các kiến nghị, đề nghị của nhân dân ngay tại cơ sở. Tổ chức nhiều cuộc đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để tháo gỡ những vấn đề nẩy sinh từ thực tiễn cuộc sống. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những nhân tố tích cực, xử lý nghiêm minh các vi phạm, bảo đảm kỷ cương pháp chế, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.
Bên cạnh đó, thành phố cũng có nhiều đổi mới trong điều hành công việc. Giảm bớt hội họp, tăng cường đi cơ sở nắm tình hình, kiểm tra công việc, đôn đốc, nhắc nhở, giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo mối quan hệ gần gũi, gắn bó mật thiết giữa chính quyền với nhân dân. Hoàn thiện cơ chế cung cấp thông tin cho nhân dân và báo chí (hàng tuần, hàng tháng, hàng quý.... tùy theo tính chất, nội dung), đồng thời, thường xuyên lắng nghe, trao đổi hoặc kịp thời tiếp thu, điều chỉnh và sửa chữa những thiếu sót, khuyết điểm được phản ánh.
Thành phố luôn coi trọng giải quyết tốt việc bảo đảm an sinh xã hội. Trong 5 năm (2008-2012), đã bố trí ngân sách thành phố chi hỗ trợ xây, sửa 3.296 nhà ở, với kinh phí 100 tỷ đồng (trong đó, xây mới 1.133 nhà, sửa chữa 2.163 nhà); tu sửa nâng cấp 474 công trình ghi công liệt sĩ, với kinh phí 301 tỷ đồng; tổ chức cho 136.383 lượt người có công với cách mạng đi điều dưỡng. Trung bình mỗi năm thực hiện cho vay giải quyết việc làm được 273 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 133 nghìn lượt lao động; hỗ trợ thoát nghèo trên 20.000 hộ, với chuẩn nghèo và các mức hỗ trợ thường xuyên được nâng cao. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng xa trung tâm. Triển khai nhiều chương trình, đề án, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa miền núi với đồng bằng và thành thị nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân (giai đoạn 2008-2012, Thành phố đã đầu tư hơn 50 ngàn tỷ đồng vốn ngân sách cho khu vực nông nghiệp, nông thôn).
3. Chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng nâng cao, tập hợp và thu hút được đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia
MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của Thành phố đã phát huy vai trò là nòng cốt của khối đại đoàn kết toàn dân, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng đa dạng, thiết thực, hướng về cơ sở; quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở ngày càng vững mạnh; đóng vai trò tích cực trong phát huy dân chủ, năng lực, trí tuệ, ý thức trách nhiệm công dân; xây dựng và hoàn thiện các thiết chế dân chủ ở cơ sở, như: quy chế về hoạt động hòa giải, quy chế giám sát đầu tư cộng đồng, quy chế hoạt động của ban thanh tra nhân dân.
Tỷ lệ tập hợp nhân dân (theo từng đối tượng) vào các tổ chức đạt kết quả khá cao, trong đó: Hội Cựu chiến binh đạt 90%; Hội Phụ nữ đạt 69,7%; Hội Nông dân đạt 76%; tổ chức Đoàn thanh niên và Hội Liên hiệp Thanh niên đạt khoảng 60%. Các hội quần chúng ngày càng phát triển về số lượng, đa dạng về hình thức hoạt động. Đến nay, Thành phố có 134 hội; ở quận, huyện, thị xã có trên 200 hội và ở cấp xã, phường, thị trấn có trên 3.000 hội.
Hằng năm, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức tốt Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, Hội nghị đại biểu nhân dân, góp phần phát huy dân chủ, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ngay từ cơ sở, cộng đồng dân cư.
4. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, góp phần tích cực thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH của Thủ đô
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị của Thành phố luôn chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Thường xuyên rà soát, sửa đổi nội dung, tiêu chí thi đua phù hợp với từng đối tượng. Cải tiến cách thức tổ chức các hoạt động, bảo đảm sát thực tế, tránh phô trương, hình thức, tạo khí thế thi đua sôi nổi, sức lan tỏa lớn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Tiêu biểu là: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau thực hiện mục tiêu tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo”, “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Tôi yêu Hà Nội”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Ngày vì người nghèo”...
Hiệu quả và tác động tích cực của các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ngày càng rõ nét. Những mô hình tốt, các gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu được học tập, nhân rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Huy động đáng kể nguồn lực trong dân góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của Thành phố. Năm năm qua, đã xuất hiện hàng chục nghìn gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực; hàng trăm nghìn người có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo; hàng trăm gia đình hiến đất, góp tài sản để xây dựng nông thôn mới, với giá trị lên tới trên 6 ngàn tỷ đồng; vận động đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 547 tỷ đồng... Với tinh thần Thủ đô vì cả nước, trong những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn công tác, do các đồng chí lãnh đạo chủ chốt dẫn đầu, đi thăm, làm việc với nhiều tỉnh, thành, nhất là những nơi tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Đã hỗ trợ nhiều địa phương xây dựng các công trình văn hóa, trường học, trạm xá, nhà ở cho các gia đình chính sách... với số kinh phí hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng.
Với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm đạt 9,51%, cao hơn 1,5 lần mức bình quân chung cả nước. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị; phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội; xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, diện mạo Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại từng bước trở thành hiện thực. Đến nay, có 236/401 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-19 tiêu chí, trong đó 16 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Văn hóa - xã hội Thủ đô tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm. Chính trị ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc; trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn. Các cơ quan, trụ sở của Trung ương và Thành phố, các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn Thủ đô được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Các hoạt động đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển với các địa phương trong nước và bạn bè quốc tế được tăng cường. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao (năm 2012 GRDP bình quân đầu người đạt 2.257USD/người, gấp 1,33 lần so năm 2008).
Những thành tựu và kết quả đạt được nêu trên là do sự đồng tâm, hiệp lực của các tầng lớp nhân dân Thủ đô cùng với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên dưới sự lãnh đạo của Thành ủy. Từ đó đã góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn Thủ đô; là tiền đề và động lực quan trọng để Thủ đô vững bước phát triển trong tương lai.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục phải triển khai nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Tình hình chính trị, kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp. Những cố gắng và kết quả đạt được chưa tương xứng với khả năng và tiềm năng vốn có và chưa đáp ứng đòi hỏi của xã hội.
Để tăng cường và tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết số 11, ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 và Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ Thành phố, Thành ủy Hà Nội đã khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ Thành phố Chương trình hành động số 23, ngày 15-7-2013 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)“về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, với những nhóm giải pháp cụ thể là: Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò công tác dân vận trong tình hình mới; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng để tập hợp nhân dân; tập trung xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp vững mạnh; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận.
Với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô; với sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự chia sẻ, ủng hộ của các bộ, ngành và các tỉnh, thành trong cả nước, công tác dân vận của Thủ đô Hà Nội sẽ ngày càng được tăng cường và đổi mới, đáp ứng đòi hỏi của xã hội, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.