Trong lớp tôi, người nổi trội và sành điệu nhất là Nhung. Bạn không quá xinh nhưng về thời trang thì là số một.
Rồi một hôm, Nhung rủ chúng tôi đến nhà bạn ấy làm bài tập thực hành. Nhà Nhung không quá rộng, toàn bộ mặt tiền là sạp hoa quả với biển hiệu "hoa quả ngoại nhập". Chúng tôi học xong thì ngồi nói chuyện, thấy vậy mẹ Nhung bảo: "Vừa nói chuyện vừa dán cho mẹ ít tem đi mấy con gái".
Nhung đón từ tay mẹ hộp tem rồi kéo thùng táo ra bảo chúng tôi: "Phụ huynh cũng biết tranh thủ nhỉ?". Chúng tôi cùng cười: "Thì vừa làm vừa nói chuyện vẫn được mà". Tôi tỏ ra rất thạo, cầm quả táo lên, ấn một cái tem rồi lại nhanh chóng cầm quả khác và tiếp tục dán. Nhung cười ngặt nghẽo: "Trông thì có vẻ điệu nghệ nhưng không đúng yêu cầu rồi bồ ơi". Tôi ngơ ngác: "Thế phải dán thế nào?". Nhung cầm quả táo lên xoay xoay rồi dừng lại ở chỗ có vết và bảo: "Thùng táo này là táo loại, quả nào cũng có vết nên mới phải dán tem vào chỗ đó cho hoàn hảo, hiểu chưa?". Chúng tôi liền làm theo hướng dẫn của Nhung, tôi lại hỏi thêm: "Thế cả chỗ thối cũng dán à?", "Thì phải hóa trang cho khách không biết chứ và tất nhiên chẳng ai nhìn thấy những chỗ đó đâu, chỉ quả nào vết to quá mới bỏ đi thôi. Làm thế thì mới lãi hiểu chưa cả ngố?". Tất cả cùng chăm chú "hóa trang" nên chẳng mấy chốc hoàn thành công việc.
Đã đến lúc phải về, Nhung không quên tiễn chúng tôi một đoạn. Trên đường về, chúng tôi cứ bàn nhau về việc trang điểm cho táo. Oanh nói: "Có lần bà tớ nằm viện, mấy chú ở cơ quan bố đến thăm và biếu bà túi táo dán tem ngoại vừa to lại vừa đẹp nhưng khi bổ ra thì...".
Riêng tôi nghĩ, kinh doanh cần một chữ tín, chứ làm thế thì khách sợ đến già. Tôi sẽ góp ý với Nhung. Biết đâu mẹ bạn ấy sẽ cân nhắc và tiếp thu nhỉ? Hy vọng là như vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.