Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dân số “vàng”, chất lượng chưa “vàng”

Thu Trang| 25/09/2013 05:44

(HNM) - Với tỷ suất sinh giảm nhanh trong các năm qua, Việt Nam đang bước vào thời kỳ cơ cấu dân số (DS)



Đó là những nội dung làm "nóng" diễn đàn Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số (2003-2013) do Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) tổ chức ngày 24-9, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân.

Với quy mô dân số gần 89 triệu người, Việt Nam hiện là quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới. Ảnh: Hải Anh


Thời cơ mới, thách thức mới

Pháp lệnh Dân số (PLDS) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI ban hành ngày 9-1-2003 và có hiệu lực từ ngày 1-5-2003. Cho đến nay, PLDS vẫn là văn bản pháp lý cao nhất của nước ta, điều chỉnh các quan hệ pháp luật giữa các chủ thể trong lĩnh vực DS. Kể từ khi có hiệu lực đến nay, PLDS đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các mục tiêu hàng năm và dài hạn về DS, nâng cao trách nhiệm của công dân trong việc kiểm soát sinh sản, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng DS, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước về DS và pháp luật.

Đánh giá sau 10 năm thi hành PLDS, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, DS Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, từ việc sinh đẻ mang tính tự nhiên, bản năng sang việc sinh đẻ có tính chủ động, có kế hoạch; từ việc sinh nhiều con, chất lượng thấp sang việc sinh ít con, chất lượng ngày càng cao. Dẫn chứng là số con trung bình một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 6,3 con vào năm 1960 đã giảm xuống còn 2,05 trong năm 2012. Mặt khác, tuổi thọ bình quân tăng từ 40 tuổi (năm 1960) lên 73 tuổi (năm 2012). Tỷ lệ tăng DS cũng giảm từ 3,5% (năm 1960) xuống còn 1,06% (năm 2012).

Từ những thành công trên, TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ khẳng định, sau 10 năm thực hiện PLDS, chúng ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số "vàng", một thời kỳ chỉ có duy nhất một lần trong lịch sử phát triển nhân khẩu học của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Giai đoạn này có thể được hiểu theo một cách đơn giản, cứ 2 người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) mới phải "gánh" 1 người trong độ tuổi phụ thuộc (trẻ dưới 15 tuổi và người cao tuổi trên 64 tuổi). Với hơn 61 triệu người (chiếm 69% tổng DS) đang ở độ tuổi lao động chính như hiện nay là một nguồn nhân lực khổng lồ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Mặc dù đạt được một số kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác DS-KHHGĐ đã bộc lộ không ít khó khăn, thách thức. Hiện nay, quy mô DS nước ta đã lên tới gần 89 triệu người. Đến ngày 1-11 tới, Việt Nam sẽ đón công dân thứ 90 triệu và là quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới, thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Như vậy, tốc độ tăng DS tuy đã giảm nhiều nhưng do quy mô DS khá lớn (mỗi năm nước ta tăng 1 triệu người, mật độ DS 267 người/km2), nước ta vẫn nằm trong nhóm các nước có mật độ cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, tốc độ già hóa DS của nước ta đang diễn ra rất nhanh. Năm 2009, sau Tổng điều tra DS, các chuyên gia đã dự báo đến năm 2017, Việt Nam mới bước vào giai đoạn "già hóa dân số" (DS 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng DS cả nước). Thế nhưng chỉ sau 2 năm, từ năm 2011, nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số", Các nhà nhân khẩu học trong và ngoài nước dự báo giai đoạn "già hóa dân số" chuyển sang giai đoạn "dân số già" (DS 65 tuổi trở lên chiếm 14%) còn nhanh hơn.

Kéo dài thời kỳ dân số "vàng"

Tại hội nghị, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại: "Chất lượng DS thấp, tốc độ già hóa DS nhanh, mất cân bằng giới tính khi sinh hiện là vấn đề nóng. Nếu không được xử lý kiên quyết ngay từ bây giờ sẽ để lại những hệ lụy nặng nề về mặt kinh tế, xã hội, thậm chí an ninh chính trị. Thêm vào đó, đầu tư đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu người gia nhập lực lượng lao động hàng năm cũng là vấn đề lớn, đòi hỏi sự phấn đấu, nỗ lực của các ngành, các cấp và xã hội".

Trước thực tế trên, TS Dương Quốc Trọng cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của đời sống kinh tế xã hội hiện nay, ý thức và hành vi của người dân về DS đã có những thay đổi sâu sắc. Thêm vào đó, những tiến bộ như vũ bão về khoa học công nghệ nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế nói riêng, đã tác động tới các quá trình DS, như: Thụ tinh trong ống nghiệm, sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, việc lạm dụng tiến bộ khoa học để lựa chọn giới tính trước sinh... Trước bối cảnh như vậy, việc nâng cấp từ PLDS lên Luật Dân số là hết sức cần thiết tại nước ta.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức của công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới, dù tổng tỷ suất sinh của Việt Nam đã đạt mức sinh 2 con nhưng lại không cân đối giữa các địa phương, vùng miền. Mặt khác, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao, hiện ở mức 112,3 bé trai/100 bé gái và xu hướng còn tăng lên; vấn đề chăm sóc người cao tuổi không đồng đều, hầu như chỉ tập trung tại các thành phố lớn, nơi có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội… Phó Thủ tướng đề nghị khi xây dựng Luật Dân số cần tiếp thu các bài học trong 10 năm thực hiện PLDS, hơn 50 năm thực hiện chính sách DS của Việt Nam, các bài học của quốc tế, học cả thành công cũng như chưa thành công… để có được một bộ luật tốt nhất, phù hợp, thúc đẩy công tác DS nói riêng, sự phát triển của đất nước nói chung. Tổng cục DS-KHHGĐ cần phối hợp cùng ngành giáo dục, khi dạy về giáo dục công dân phải dạy về hạnh phúc gia đình để các em có ý thức phấn đấu làm một công dân tốt. Ngành y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ cần thiết kế các chương trình DS làm sao để duy trì và kéo dài thời kỳ cơ cấu dân số "vàng" ít nhất đến năm 2061"…

(HNM) - Chiều 24-9, Trung tâm Tư vấn và Cung ứng dịch vụ (Tổng cục DS-KHHGĐ) phối hợp với Tổ chức Bayer Việt Nam tổ chức lễ hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới 26-9 với chủ đề: "Tăng cường quyền năng cho giới trẻ để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục". Được biết, trong số 205 triệu trường hợp mang thai hàng năm trên thế giới có tới 1/3 là mang thai ngoài ý muốn, 36% độ tuổi vị thành niên có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ… Thế nhưng, việc cung cấp, trang bị kiến thức và hiểu biết về các biện pháp tránh thai còn thiếu hụt trong giới trẻ. Tại buổi lễ, Tổng cục DS-KHHGĐ đã chính thức phát hành sổ tay hướng dẫn "Thuốc tránh thai và bạn" dành cho phụ nữ và tờ rơi "Phụ nữ và các lựa chọn tránh thai thích hợp" dành cho cán bộ y tế nhằm cung cấp thông tin giúp truyền thông, tư vấn một cách hiệu quả và an toàn.

Xuân Lộc
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân số “vàng”, chất lượng chưa “vàng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.