Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dân số chung cư “ép” trường học vùng lõi

Thiện Mỹ| 03/10/2016 06:23

(HNM) - Tốc độ đô thị hóa nhanh đang kéo theo nỗi ám ảnh về tình trạng quá tải trường học, đặc biệt tại vùng lõi của Thủ đô. Các dự án (DA) nhà ở mọc lên ở khắp nơi, nhưng việc xây dựng trường học lại ì ạch khiến gánh nặng quá tải dồn vào những ngôi trường cũ.

Trường Tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, lọt thỏm dưới chân các tòa chung cư. Ảnh: Thái Hiền


Dân số tăng nhanh, trường xây chậm

Điểm một vòng quanh các quận Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy…, dễ nhận thấy các chung cư cao tầng mọc lên “như nấm sau mưa”, cùng với đó là sự gia tăng nhảy vọt của dân số. Điển hình như phường Đại Kim (Hoàng Mai), dân số năm 2015 là 34.000 người, tháng 9-2016 là 36.000 người. Dự kiến, đến cuối năm 2016 khi 3 tòa chung cư cao từ 39 đến 45 tầng được đưa vào sử dụng thì số dân sẽ tăng gấp bội. Hay như tại phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) chỉ sau hơn 2 năm thành lập dân số đã tăng thêm khoảng 4.000 người. Trong khi đây là phường mới, giáp ranh với vùng ngoại ô nên khả năng còn mở rộng, tăng dân số là điều tất yếu.

Về thực trạng tăng dân số trên địa bàn phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm), Chủ tịch UBND phường Mễ Trì Đào Tăng Quýnh giãi bày: Trên địa bàn phường có 5 DA tuy chưa được lấp đầy người ở, nhưng đã có hơn 4.000 hộ dân sinh sống. Thời gian tới, còn thêm 3 DA với gần 3.000 căn hộ sẽ được đưa vào sử dụng. Trong khi đó, hệ thống trường mầm non, tiểu học và THCS đều đang quá tải. Hiện nay, trường mầm non với nhu cầu khoảng 900 trẻ, trung bình 60 đến 65 cháu/lớp; còn trường THCS thiếu lớp, phải tận dụng các phòng chức năng thành phòng học. Trong khi hệ thống các trường công lập hiện có đều quá tải thì trường học trong các DA nhà ở mặc dù được quy hoạch đầy đủ nhưng chậm tiến độ cả chục năm.

Dân số tăng nhanh đồng nghĩa với các trường học chịu chung áp lực. Bà Nguyễn Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) cho biết: Phường có 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học và THCS. Đến nay, trường mầm non đã “đầy”; trường tiểu học không đủ phòng nên các con phải học cả thứ bảy. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân vẫn đề nghị cơ quan chức năng tăng cường đầu tư xây dựng thêm trường công lập, vì dân số của phường sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới…

Điều 17, Điều lệ trường tiểu học quy định mỗi lớp không quá 35 học sinh, tuy nhiên với các trường ở nội thành Hà Nội thì điều này chỉ là lý thuyết. Trong vùng lõi Thủ đô, sĩ số mỗi lớp học dao động từ 50 đến 60 em là chuyện rất đỗi bình thường. Mặc dù không muốn, nhưng các bậc phụ huynh cũng không còn lựa chọn nào khác. Theo số liệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, toàn quận có 88 trường học ở 3 cấp mầm non, tiểu học, THCS với tổng số 62.291 học sinh. Theo đó, trung bình mỗi cấp học chỉ dao động từ 36,18 đến 48,17 em/lớp. Tuy nhiên, đây là con số chưa phản ánh đúng thực trạng ở hệ thống trường công lập, bởi nhiều trường có sĩ số rất cao. Điển hình là các trường mầm non: Dịch Vọng Hậu, Sơn Ca, Yên Hòa, Dịch Vọng… trung bình từ 69 đến 74 cháu/lớp; các trường tiểu học: Dịch Vọng A, Nghĩa Đô, Mai Dịch, Quan Hoa… trung bình trên 60 em/lớp. Tỷ lệ thuận với thực trạng trên, số học sinh toàn quận năm 2015 đã tăng 6.773 em so với năm 2014; năm 2016 tăng 3.275 em so với năm 2015… Cùng chung đà tăng đó, năm học 2016-2017, quận Hoàng Mai đã tăng 5.879 học sinh, quận Hà Đông tăng 5.700 em so với năm học trước… Con số này cho thấy, những trường công lập đang chịu sức ép ngày càng lớn.

Nhiều dự án trường học... trên giấy

Theo quy hoạch, trên địa bàn quận Hoàng Mai có 96 DA xây trường học và hiện có 17 trường (trong đó 13 trường công lập) đã lập DA để triển khai xây dựng. Trong số 79 trường chưa lập DA đầu tư, còn đến 33 DA chưa giao chủ đầu tư và 46 DA chưa giải phóng mặt bằng (GPMB). Được biết, riêng tại phường Định Công có đến 12 DA trường học, nhưng 8/12 DA chưa giao chủ đầu tư, chưa GPMB. Tương tự, phường Hoàng Liệt có 18 DA, trong đó 5 DA chủ đầu tư ban đầu đã chuyển giao cho nhà đầu tư thứ phát nhưng đơn vị này chưa thực hiện. Phường Hoàng Văn Thụ có 11/19 DA chưa GPMB.

Tiến độ xây dựng trường học chậm chạp bởi nhiều lý do. Tại quận Cầu Giấy, một số địa điểm quy hoạch trường học mới được thành phố chấp thuận địa điểm và giao UBND quận làm chủ đầu tư vào tháng 2-2016 như DA trường tiểu học và THCS tại ô A11, phường Yên Hòa. Một số DA trước đây được thành phố giao doanh nghiệp làm chủ đầu tư nhưng đều chậm triển khai. Tại quận Hoàng Mai, có đến 5 DA trường học gặp vướng mắc vì bị quy hoạch vào nghĩa trang nên công tác GPMB vô cùng nan giải… Chưa kể, theo quy định về Tiêu chuẩn thiết kế và Điều lệ trường học thì đối với trường mầm non và tiểu học không nên xây quá 3 tầng, diện tích trung bình tối thiểu 8m2/trẻ (mầm non) và 6m2/học sinh (tiểu học); trường THCS không nên xây quá 4 tầng với diện tích trung bình tối thiểu 6m2/học sinh. Quy định này gây nhiều khó khăn cho những phường quỹ đất quá chật hẹp… Để giảm áp lực nêu trên, vừa qua quận Cầu Giấy đã dự kiến đầu tư xây dựng thêm 17 trường. Trong giai đoạn 2017-2020, quận dự kiến thực hiện 13 DA và đến nay đã có 3 DA bắt đầu chuẩn bị đầu tư, 7 DA đang nghiên cứu phương án thiết kế.

Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp chỉ “đánh trống ghi tên” mà không triển khai DA trường học, nhiều địa phương đã rà soát, báo cáo thành phố, đề nghị giao lại những DA này để quận làm chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ. Theo đó, tháng 2-2016, UBND thành phố đã giao UBND quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư xây dựng trường THCS, THPT tại ô D34 (phường Yên Hòa). Bên cạnh đó, DA Trường Mầm non Nguyễn Viết Xuân và THCS Nguyễn Viết Xuân cũng đang được quận báo cáo xin chủ trương. Còn tại quận Hoàng Mai, Trường Mầm non Hoa Sữa đã được chuyển cho UBND quận làm chủ đầu tư và ngay sau đó DA được triển khai, nay trường đã đi vào hoạt động. Song, hiện vẫn còn 10 DA đã được quận Hoàng Mai đề nghị thành phố giao UBND quận lập DA bằng vốn ngân sách từ năm 2012, nhưng vẫn chưa có hồi âm. Về việc các DA trường học quy hoạch vào nghĩa trang, ông Giang Chí Trung, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho biết: Quận đã có văn bản đề nghị các sở, ngành điều chỉnh quy hoạch, tạo điều kiện để các trường học được chuyển đổi sang vị trí khác thuận lợi khi thực hiện GPMB…

Khó khăn trong thực hiện các DA xây dựng trường học còn nhiều, song trước sự quyết tâm của các cấp chính quyền, thực trạng này đang tiến triển theo chiều hướng tích cực. Khẳng định với phóng viên Báo Hànộimới, lãnh đạo nhiều quận, huyện đề nghị thành phố đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ GPMB và đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Đối với các chủ đầu tư chậm triển khai dự án, đề nghị các sở, ngành thu hồi và bàn giao cho quận lập DA đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc kêu gọi xã hội hóa… Rõ ràng, để giảm áp lực cho hệ thống trường công hiện nay và nhiều năm sau, không còn biện pháp nào hiệu quả hơn việc quy hoạch xây dựng trường học phải được thực hiện nghiêm túc, đúng lộ trình...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dân số chung cư “ép” trường học vùng lõi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.