(HNM) - Tỉnh Bình Dương đã đưa ra kế hoạch và chương trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040. Hiện việc xây dựng đô thị thông minh đang dần rõ nét và đạt kết quả ban đầu, thể hiện quyết tâm của Bình Dương trong chuyển đổi cơ cấu, phát triển kinh tế - xã hội.
Những kết quả ban đầu
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương, đề án thành phố thông minh là một ví dụ tiêu biểu của tỉnh Bình Dương về việc lồng ghép khoa học, công nghệ trong các chiến lược chung để đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Đề án chú trọng triển khai mô hình hợp tác “ba nhà”: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà trường/viện nghiên cứu, để huy động hiệu quả nguồn lực xã hội. Trong đó, chú trọng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để bứt phá toàn diện.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương Nguyễn Việt Long cho biết, thành phố thông minh Bình Dương được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) 4 lần liên tiếp vinh danh trong tốp 21 và 2 lần vào tốp 7 các thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu, khẳng định hướng tiếp cận phù hợp xu thế chung của thế giới.
Kế hoạch xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2021-2030 tại Bình Dương đã có những kết quả ban đầu. Tỉnh đã đưa vào hoạt động khu Trung tâm thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương. Cùng với đó triển khai hệ thống thông tin địa lý GIS; đang triển khai dự án khu công nghiệp khoa học, công nghệ đặt tại huyện Bàu Bàng. Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính; kết nối quốc tế, xúc tiến thương mại; tiếp tục xây dựng và phát triển mô hình làng thông minh...
Đặc biệt, tháng 4-2022, tỉnh đưa vào vận hành Trung tâm giám sát và điều hành thành phố thông minh (IOC) trên 22 lĩnh vực với 611 chỉ tiêu trong phạm vi của tỉnh làm cơ sở phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương Lê Tuấn Anh cho hay, thông qua IOC, nhiều lĩnh vực quan trọng được tích hợp tự động, giám sát trực tuyến kết nối về trung tâm đầu não để phân tích dữ liệu, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bao quát để phục vụ điều hành chung, cũng như đẩy mạnh chuyển đổi chính quyền điện tử theo hướng thông minh. Ngoài ra, hệ sinh thái khởi nghiệp Block 71 được đầu tư bởi Đại học Quốc gia Singapore và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC) được xem là một trong những mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo mà Bình Dương hướng đến.
Chiến lược đồng bộ
Theo mục tiêu chương trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040; đến năm 2025, Bình Dương sẽ nâng cao tỷ lệ đóng góp của khoa học, công nghệ vào tăng trưởng kinh tế khoảng 45% và trên 50% năm 2030; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% năm 2030; đến năm 2040... đưa Bình Dương thuộc nhóm các đô thị thông minh, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và đáng sống trên cả nước.
Để đạt hiệu quả mong muốn, Bình Dương sẽ hoàn thiện và phát triển 3 thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An và Trung tâm thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương, trở thành địa điểm đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội, phát triển dịch vụ, kinh tế trọng điểm, hình thành đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống. Đồng thời, phát triển khu thử nghiệm thương mại điện tử xuyên biên giới đầu tiên tại Việt Nam, làm đòn bẩy giúp định vị Bình Dương là trung tâm logistics cho thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á; phát triển khu công nghiệp khoa học, công nghệ, trong đó tập trung đầu tư công nghệ cao trong các ngành sản xuất chiến lược...
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Becamex IDC Nguyễn Văn Hùng thông tin, là đơn vị đồng hành với đề án thành phố thông minh Bình Dương từ ngày đầu và hiện là đề án vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, Becamex IDC ứng dụng triệt để chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong những dự án cụ thể, nhằm xây dựng và phát triển Bình Dương ngày một thông minh, tốt đẹp và đáng sống hơn.
Còn theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương Nguyễn Việt Long, trọng tâm của Bình Dương là tiếp tục mở rộng vùng thông minh Bình Dương; xây dựng thành phố thông minh với động lực là mũi nhọn đột phá gồm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phấn đấu vươn tầm quốc tế.
Để đạt các mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết, tỉnh triển khai thực hiện theo mô hình 5 lớp của đề án vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, gồm: Quy hoạch đô thị; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển toàn diện, kinh tế cân bằng; chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0; phát triển nguồn nhân lực.
“Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương sẽ đưa địa phương trở thành tỉnh có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng hơn, tạo nền tảng để xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, từng bước trở thành vùng sản xuất thông minh, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị hàng hóa có chất xám cao và môi trường sống lành mạnh”, ông Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.