Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dân nghèo đô thị và bài toán an sinh (bài 2)

Nguyễn Lê| 11/03/2013 07:04

(HNM) - Áp lực dân số khi người nhập cư làm lao động phổ thông vẫn tiếp tục tăng đã khiến TP Hồ Chí Minh phải đối mặt với nhiều gánh nặng lớn, như về hạ tầng đô thị (giao thông, nhà ở); giải quyết việc làm, giáo dục, y tế và môi trường…

Bài 2: Áp lực giải bài toán an sinh


(HNM) - Áp lực dân số khi người nhập cư làm lao động phổ thông vẫn tiếp tục tăng đã khiến TP Hồ Chí Minh phải đối mặt với nhiều gánh nặng lớn, như về hạ tầng đô thị (giao thông, nhà ở); giải quyết việc làm, giáo dục, y tế và môi trường…

Gánh nặng

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, TP Hồ Chí Minh có những cơ sở vật chất mà không ít địa phương "mơ" không được như 17 KCX-KCN, 1 Khu công nghệ cao, 1 Công viên phần mềm, hàng loạt khu đô thị mới, hạ tầng đô thị đang phát triển với tốc độ nhanh. Cũng chính là "công xưởng" của cả nước nên tốc độ tăng dân số cơ học của TP Hồ Chí Minh hiện nay rất cao, vượt ngoài quy mô quản lý. Hiện dân số của TP Hồ Chí Minh đã vượt con số 10 triệu người. Mỗi năm, trung bình TP có khoảng 50.000 cặp vợ chồng mới kết hôn. Áp lực dân số kéo theo áp lực về hạ tầng (nhà ở, giao thông…) và dịch vụ xã hội (y tế, giáo dục…). Theo các chuyên gia, hiện hai yếu tố này chưa theo kịp tốc độ gia tăng dân số cũng như nhu cầu tối thiểu của người dân.

Người nhập cư tiếp tục tăng khiến TP Hồ Chí Minh phải đối mặt với nạn ùn tắc giao thông


Theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh là thành phố lớn, hầu như không thiếu gì, nhưng để người dân, nhất là dân nghèo (chiếm tỷ lệ không nhỏ) tiếp cận được các dịch vụ xã hội thì không dễ dàng. "Đơn cử như trường hợp tiếp cận dịch vụ y tế kỹ thuật cao trong điều trị các chứng bệnh về tim, thận… đôi khi người nghèo chúng tôi phải bán sạch tài sản mà vẫn không đủ viện phí", ông Trần Chí Dũng (Tân Bình) - từng mổ tim - chia sẻ.

Mặt khác, dân số tăng kéo theo nhu cầu nhà ở tăng khiến hàng loạt khu nhà trọ xây dựng tạm bợ mọc lên. Hạ tầng đô thị lại tiếp tục gánh thêm áp lực. Giải quyết công ăn việc làm đã khó, giải quyết vấn đề nhà ở lại càng khó hơn khi mà nhiều KCX - KCN thu hẹp quy mô sản xuất do kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản thoi thóp. Hiện TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu hình thành một khu vực dân cư gọi là "vùng ven đô". Đây là khu vực dân cư không hẳn là nông thôn cũng không hẳn là thành thị. Điểm đặc thù của khu vực này là tập trung phần lớn dân nhập cư, công việc không ổn định, thu nhập thấp, đời sống bấp bênh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại cho các nhà quản lý đô thị là dân cư "vùng ven đô" mang tính đa vùng miền rất cao nhưng sống co cụm trong một địa bàn nhất định. Nhiều người đến từ các tỉnh khác nhau, tập quán sinh sống khác nhau lại sống chung với nhau gây nên những nguy cơ mới về kinh tế - xã hội - môi trường và quản lý (an ninh - trật tự, tội phạm, kinh doanh tự phát, ô nhiễm, ngập úng, vệ sinh công cộng…). Bình Tân là một trong những quận "vùng ven đô" điển hình của TP. Tại đây, theo ghi nhận của PV, đô thị hóa phát triển tự phát, hỗn tạp; giao thông bất cập, thiếu quy hoạch; lao động trẻ dồi dào nhưng tỷ lệ thất nghiệp thuộc diện cao nhất thành phố.

Bài toán an sinh?

Đặt trọng tâm vào công tác xóa đói, giảm nghèo, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội để nâng cao mức sống chung của người dân, TP Hồ Chí Minh đã ban hành và tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án và huy động nguồn lực của toàn xã hội để trợ giúp người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Các chính sách và giải pháp xóa đói giảm nghèo được triển khai đồng bộ trên cả 3 phương diện: giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách về tín dụng ưu đãi, khuyến nông - lâm - ngư, phát triển ngành nghề; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn…

Tuy nhiên, những nỗ lực đó chưa thấm vào đâu so với yêu cầu thực tế. Góp ý về bảo đảm an sinh, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần tập trung vào hai lĩnh vực chính, có tác động tới toàn xã hội đó là giáo dục và y tế. Về lĩnh vực giáo dục, nói đến phổ cập là phải nhắm đến người nghèo. Riêng TP Hồ Chí Minh, do cần một lực lượng lao động dồi dào và cũng là địa phương có nhiều người nghèo nên miễn học phí đến hết trung học phổ thông. Còn về lĩnh vực y tế, hiện nay chúng ta có 2 loại hệ thống bệnh viện: bệnh viện công và bệnh viện tư, cũng như hàng loạt các phòng khám tư nhân. Nhà nước cũng nên hình thành hai loại bệnh viện: bệnh viện có thu phí với những dịch vụ tốt, trang thiết bị hiện đại, đầu tư chất lượng, thu phí cao nhưng cũng do Nhà nước quản lý để điều tiết; bệnh viện không thu phí dành cho tất cả các loại đối tượng.

"Nếu hai lĩnh vực này chúng ta làm được như vậy, thì mục đích của an sinh xã hội mới đạt được và khoảng cách giàu, nghèo sẽ thu hẹp lại, sự tổn thương cả về vật chất và tinh thần đối với một bộ phận nhân dân sẽ giảm đi đáng kể. Còn với bài toán an sinh nói chung như hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp, lao động thất nghiệp… Nhà nước phải minh bạch trong chính sách an sinh xã hội để tạo sự đồng thuận trong nhân dân", bà Đặng Thị Đỗ, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, thực trạng lao động dễ bị thất nghiệp trong khi vẫn có không ít doanh nghiệp có nhu cầu mà vẫn không tìm được nguồn bổ sung cho thấy, công tác đào tạo nghề hiện nay còn thiếu gắn kết. Các trường đào tạo chỉ dạy những gì mình có mà chưa khảo sát nhu cầu nhân lực trên thị trường lao động. Chưa kể, nhiều trường sử dụng giáo trình lạc hậu, máy móc thực hành cũ kỹ, khiến học viên sau khi ra trường không đáp ứng được những đòi hỏi từ đơn vị tuyển dụng. Đại diện Sở LĐ,TB&XH TP Hồ Chí Minh thừa nhận, có sự thừa thiếu lao động cục bộ giữa các ngành nghề mà một trong những nguyên nhân là nhu cầu lao động một đằng, các trường lại đào tạo một nẻo. Theo ông Trần Anh Tuấn, các trường cần xác định được khung chương trình đào tạo phù hợp, có chất lượng tối thiểu đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội và của từng doanh nghiệp. Qua đó, hạn chế đào tạo tự phát gây tình trạng thừa thiếu lao động, lao động khó bám trụ lâu dài với công việc, từ đó gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Trao đổi với PV Hànộimới về công tác an sinh trên địa bàn, ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố đang thực hiện chương trình an sinh gắn với chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá. Cụ thể, thành phố đang hoàn thiện chính sách bảo trợ cho 13.624 người nghèo. TP Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị với Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam tiếp tục hỗ trợ cho thành phố thực hiện chính sách cho hộ nghèo vay. Đối với công nhân, thành phố tiếp tục giải quyết việc làm và hỗ trợ thất nghiệp. Còn về y tế, năm 2013 thành phố sẽ triển khai giám sát chặt chẽ y tế dự phòng, nhằm "phòng bệnh hơn chữa bệnh".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân nghèo đô thị và bài toán an sinh (bài 2)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.