(HNM) - Trung tâm Phát triển quỹ đất vừa phối hợp với huyện Từ Liêm và các cơ quan liên quan tổ chức 3 đợt chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) cho 200 hộ dân nằm trong diện thu hồi đất phục vụ dự án xây dựng Khu đô thị (KĐT) tây hồ Tây.
Những ngày tới, việc chi trả tiền đền bù sẽ được thực hiện khẩn trương để có thể cơ bản hoàn thành GPMB 61,3ha đất trong cuối tháng 7, đầu tháng 8-2010, trong đó có 25ha đất để Hà Nội khởi công xây dựng Nhà hát Thăng Long, công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Điều đáng nói là dự án này có cách làm GPMB khá đặc biệt, được đông đảo người dân ủng hộ, nên tiến độ rất khả quan.
Người dân xã Xuân Đỉnh nhận tiền đền bù GPMB phục vụ dự án Khu đô thị mới tây hồ Tây.Ảnh: Tuấn Khải
Công việc nhiều, kết quả khả quan
Dự án đầu tư phát triển khu trung tâm KĐT tây hồ Tây có tổng diện tích 207,66ha đất, thuộc địa phận quận Tây Hồ và huyện Từ Liêm. Trong đó, riêng diện tích đất phải thu hồi trên địa bàn Từ Liêm là hơn 117,3ha. Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình tại văn bản số 5051/UBND-XD, Trung tâm Phát triển quỹ đất phải phối hợp với UBND huyện Từ Liêm, Công ty TNHH Phát triển T.H.T và các đơn vị liên quan tập trung GPMB 61,3ha xong trong tháng 7-2010, trong đó có 25ha dành để khởi công xây dựng Nhà hát Thăng Long, chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, công tác điều tra, xác định nguồn gốc đất, lên phương án đền bù GPMB với dự án này đã được các cơ quan chức năng và đại diện đơn vị chủ đầu tư (Công ty TNHH Phát triển T.H.T) tập trung thực hiện. Theo thống kê, toàn bộ 61,3ha đất phải thu hồi đợt đầu đều là đất nông nghiệp thuộc xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, liên quan tới 740 hộ dân.
Ông Trần Huy Dũng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP cho biết, để công tác GPMB được thuận lợi, bên cạnh việc công khai cơ chế, chính sách GPMB, trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến người dân bị thu hồi đất. Kinh nghiệm nhiều năm làm GPMB cho thấy, dự án chỉ có thể triển khai thuận lợi nếu nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Một thuận lợi nữa là trong quá trình triển khai, những khó khăn về chính sách GPMB đã được các ngành liên quan kịp thời tháo gỡ theo hướng có lợi nhất cho dân. Vì thế, dù khối lượng công việc còn rất lớn, nhưng việc thu hồi 61,3ha đất sẽ được thực hiện đúng tiến độ, nhất là phần diện tích phục vụ khởi công xây dựng Nhà hát Thăng Long, công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Cho "cần câu" thay vì cho "con cá"
Những ngày vừa qua, PV Báo Hànộimới đã được chứng kiến một số buổi chi trả tiền đền bù GPMB cho người dân bị thu hồi đất tại trụ sở UBND xã Xuân Đỉnh. Ghi nhận chung là quá trình chi trả tiền diễn ra trật tự và nhanh gọn. Ông Đỗ Công Hoan, Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Từ Liêm, đơn vị được ủy nhiệm chi trả tiền cho biết, đây là dự án lớn, liên quan đến hàng nghìn hộ dân và quá trình chi trả sẽ diễn ra nhiều lần. Do đó, các bên liên quan thống nhất một quy trình khép kín. Cả Trung tâm Phát triển quỹ đất TP và Công ty TNHH T.H.T đều phải lập tài khoản tại ngân hàng (NH) rồi chuyển tiền vào. Toàn bộ hồ sơ danh sách tổ chức, cá nhân trong diện được chi trả, số tiền được nhận… cũng được chuyển qua NH giám sát. Trên cơ sở danh sách này, NH sẽ trả tiền cho dân. Ngoài các bàn chi trả, NH còn tổ chức huy động vốn ngay tại chỗ để phục vụ những người dân có nhu cầu. Mỗi người chỉ mất khoảng 10 phút để nhận tiền, gửi tiền. Quy trình này rất an toàn và khoa học, các bên đều có lợi. Mô hình này nên được nhân rộng cho việc GPMB các dự án khác trên địa bàn.
Theo ông Đỗ Xuân Đậu (xã Xuân Đỉnh), dự án này bắt đầu được khởi động từ năm 2007. Quá trình triển khai đã có một số thay đổi về cơ chế, chính sách. Ban đầu còn thắc mắc, nhưng sau khi được tuyên truyền, giải thích, đại bộ phận người dân địa phương đã đồng tình, ủng hộ. Chỉ còn khoảng 20-30 hộ có đất nông nghiệp nằm trên 2 dự án là Khu đô thị Nam Thăng Long và KĐT tây hồ Tây là còn khúc mắc, đang chờ tháo gỡ.
Dự án này còn có một nét rất đặc biệt, được người dân rất tán thành. Trong khi các dự án GPMB đất nông nghiệp khác trên địa bàn Hà Nội hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp bằng tiền, chủ đầu tư dự án này lại có cách làm khác là cho "cần câu" thay vì cho "con cá". Ông Lee Seung Kook, Tổng Giám đốc Công ty TNHH T.H.T cho biết, để hỗ trợ người dân bị mất đất, Công ty tổ chức các chương trình tuyển dụng lao động xuất khẩu tại các dự án do Công ty, các đối tác làm chủ đầu tư tại Hàn Quốc và nước ngoài. Ngoài các đối tượng là công nhân kỹ thuật cao, lao động phổ thông cũng sẽ được tuyển dụng. Việc tuyển dụng sẽ được Công ty làm việc cụ thể với TP Hà Nội, UBND huyện Từ Liêm và các xã liên quan. Những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án sẽ được ưu tiên xét tuyển để có cơ hội cải thiện việc làm, nâng cao thu nhập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.