Cuộc đàm phán được Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc bầu cử ở Libya vào cuối năm nay đã kết thúc mà không đạt được đồng thuận. Thông tin này được một quan chức LHQ tiết lộ đêm 2-7 sau khi kết thúc cuộc đàm phán kéo dài một tuần qua ở gần Geneva (Thụy Sĩ).
Phát biểu tại cuộc họp, ông Raisedon Zenenga - trợ lý Tổng Thư ký LHQ đồng thời là điều phối viên Phái bộ Hỗ trợ LHQ ở Libya (UNSMIL), nêu rõ: "Người dân Libya chắc chắn sẽ cảm thấy thất vọng vì họ vẫn mong muốn có cơ hội thực hiện các quyền dân chủ của mình trong các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 24-12. Điều này không báo trước điềm hay cho tín nhiệm và tầm ảnh hưởng trong tương lai của Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya (LPDF). Tôi khuyến khích các bạn tham khảo ý kiến của nhau để theo đuổi một thỏa thuận khả thi và củng cố những gì gắn kết các bạn".
Hội nghị diễn ra từ ngày 28-6 này nhằm tạo điều kiện pháp lý cho cuộc bầu cử vào tháng 12-2021 với hy vọng mở ra một kỷ nguyên mới cho Libya. Khoảng 75 đại biểu đã tham gia các cuộc thảo luận để thống nhất về cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 24-12 tới.
Các phe phái tham chiến đã đồng ý thỏa thuận ngừng bắn kể từ tháng 10-2020, thành lập một chính phủ lâm thời thống nhất và lên kế hoạch bầu cử vào tháng 12-2021. Tuy nhiên, còn một số nghi ngờ về việc thực hiện cam kết của các bên và các nhóm vũ trang nắm quyền lực trên thực địa có thể ảnh hưởng đến tính công bằng của cuộc bỏ phiếu. Mỹ cho rằng, bầu cử là cách duy nhất để đảm bảo hòa bình và ổn định ở Libya.
Trong một diễn biến liên quan, Hy Lạp cam kết hỗ trợ Libya trong quá trình hướng đến tổng tuyển cử.
Phát biểu ngày 2-7, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias khẳng định, nước này sẽ hỗ trợ Libya trong quá trình hướng đến tổng tuyển cử vào cuối năm nay, đồng thời ủng hộ lời kêu gọi rút toàn bộ các lực lượng nước ngoài khỏi quốc gia Bắc Phi này. Theo Đài truyền hình quốc gia Hy Lạp ERT, tuyên bố trên được Ngoại trưởng Dendias đưa ra sau cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh đang thăm Hy Lạp.
Trong những năm gần đây, Libya đã bị chia rẽ giữa hai chính quyền đối địch, được các lực lượng nước ngoài và các tay súng trong nước hậu thuẫn. LHQ gần đây cảnh báo tiến độ về thỏa thuận đạt được hồi đầu năm nay giữa hai chính quyền đối địch ở Libya đã bị đình trệ. Các nhà lãnh đạo phương Tây đã nhiều lần kêu gọi thực hiện việc rút các lực lượng nước ngoài ra khỏi Libya một cách có lộ trình và thống nhất, không để xảy ra tình trạng mất cân bằng quân sự có thể dẫn tới các cuộc tấn công bất ngờ giữa hai lực lượng chính ở Libya.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.