(HNM) - Còn rất trẻ (sinh năm 1979), nhưng Bùi Thế Dũng đã năng động, tìm tòi và biến ước mơ của mình thành hiện thực với việc thành lập trung tâm đào tạo nghề sửa chỗ ô tô cho thanh niên. Hiện anh là Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Hà Nội (73 Nguyễn Chí Thanh), nơi đào tạo nghề sửa chữa ô tô cho nhiều bộ đội xuất ngũ.
Tốt nghiệp khoa Du lịch Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, năm 2003, Dũng được bố mẹ mua cho chiếc xe máy 20 triệu đồng để đi làm hướng dẫn viên du lịch. Được vài tháng, Dũng cảm thấy không phù hợp lắm nên đã đi học nghề sửa chữa điện thoại. Sau một thời gian, nhu cầu sử dụng điện thoại của xã hội tăng, Dũng đã bán chiếc xe máy được 13 triệu đồng, lấy vốn mở cửa hàng kinh doanh điện thoại.
Vốn năng động, Dũng đã nhanh chóng trở thành người kinh doanh điện thoại có số vốn hàng tỷ đồng. Cũng nhờ làm ăn có uy tín, Dũng đã có nhiều anh em, bạn bè muốn hợp tác cùng làm ăn và thành lập Công ty VietFone (chuyên kinh doanh, sửa chữa và đào tạo nghề sửa chữa điện thoại, máy tính). Từ năm 2006, nhờ đào tạo nghề sửa chữa điện thoại, công ty đã tạo việc làm cho gần 300 thanh niên.
Khởi nghiệp từ kinh doanh điện thoại, nhưng Dũng lại đam mê ở lĩnh vực sửa chữa ô tô. "Ngành nghề ô tô là "hot" nhất thời điểm hiện nay, đặc biệt trên địa bàn TP Hà Nội. Nhu cầu sử dụng xe nhiều, đi kèm là dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, nên tôi đã nghĩ đến thành lập một trung tâm đào tạo nghề cho thanh niên và xây dựng hệ thống gara ô tô và thiết bị định vị toàn cầu (GPS) trên ô tô và tàu cá. Được sự giúp đỡ của Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội và sự tin tưởng của các cổ đông Công ty VietFone, tháng 4-2010 Viện Công nghệ Hà Nội (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) ra đời, tiếp nhận và đào tạo nghề sửa chữa ô tô cho các bạn trẻ'' - Dũng cho biết.
Với phương châm đào tạo gắn với thực hành, Viện Công nghệ Hà Nội đã liên kết với các xưởng sửa chữa ô tô, gara trên địa bàn TP Hà Nội để gửi học viên thực hành 4 tháng tại xưởng. Đến nay, có hàng chục gara ô tô ký kết với Viện Công nghệ Hà Nội nhận học viên thực hành và tuyển dụng lao động sau khóa học. Tuy mới ra đời, nhưng Viện đã phối hợp với các cơ sở đào tạo khác, tiếp nhận và đang đào tạo nghề sửa chữa ô tô cho 60 học viên, trong đó 90% là bộ đội xuất ngũ và con thương, bệnh binh. Các em đến đây học cũng giống như học các trường dạy nghề quân đội (miễn học phí, chỗ ở), đối với con thương binh thì miễn phí hoàn toàn, còn bệnh binh giảm từ 10% đến 50%.
"Nghề sửa chữa ô tô không chỉ học 12 tháng là có thể làm được tất cả. Song sau khóa học, các em đã được trang bị kiến thức căn bản, có thể sửa chữa được bệnh thông thường của xe, sau đó lại tiếp tục nâng cao tay nghề qua thực tiễn. Tốt nghiệp khóa học, học viên sẽ được nhận vào làm ở các gara ô tô với mức lương từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/tháng" - Dũng cho biết thêm.
Năm 2011, Dũng và cổ đông của Viện Công nghệ Hà Nội dự định sẽ tăng cường quảng bá, xây dựng đơn vị đào tạo nghề sửa chữa ô tô chuyên sâu; tuyển và đào tạo nghề sửa chữa ô tô cho 500 thanh niên; xây dựng một gara ô tô đạt tiêu chuẩn để phục vụ khách hàng. Cùng với đó, họ sẽ triển khai đề tài khoa học phát triển máy định vị toàn cầu (GPS) vào thực tiễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.