Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đậm đà văn hóa Kinh Bắc

Phương Nam| 22/09/2010 07:28

(HNM) - Sáng qua (21-9), "Long Thành cầm giả ca" đã ra mắt tại Hà Nội. Phim do Hãng phim Giải Phóng thực hiện, NSƯT Đào Bá Sơn đạo diễn từ kịch bản đoạt giải nhất trong cuộc thi Kịch bản điện ảnh kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của nhà văn Văn Lê.

Đây cũng là tác phẩm đại diện cho điện ảnh Việt Nam dự Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần 1 - VIFF tháng 10-2010. Đặc biệt theo công bố chương trình những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội bắt đầu từ ngày 1-10 đến 10-10, phim sẽ được chọn chiếu khai mạc.

Một cảnh trong phim “Long Thành cầm giả ca”.

Trau chuốt với những khuôn hình về xứ Kinh Bắc ngày xưa, lấy bối cảnh thật ở Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm, phủ Thành Chương, vùng Bắc Giang, Ninh Bình, kinh thành Huế... đó là những ấn tượng đầy chất điện ảnh trong “Long Thành cầm giả ca”. Phim đã tái hiện ít nhiều không khí của một Kinh thành Thăng Long vừa rất lạ vừa rất quen, đôi khi bàng bạc như trong một cõi tiềm thức.

Người đẹp đất Long thành/ Không nghe tên họ/ Riêng thạo đàn Nguyễn/ Người trong thành bèn lấy chữ Cầm mà đặt tên/ Nàng học được khúc Cung Phụng trong cung tiền triều/ Đó là những khúc đàn hay nhất trời đất... Cảm hứng từ bài thơ “Long Thành cầm giả ca” (Bài ca về người gảy đàn thành Thăng Long) của đại thi hào Nguyễn Du và có lẽ đồng cảm với người xưa về thân phận của những tài tử - văn nhân, giai nhân - ca kỹ trong thời tao loạn nửa cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, nhà văn Văn Lê đã viết thành kịch bản phim. Và như chia sẻ của ông: “Các triều đại có thể thay đổi nhưng văn hóa dân tộc thì mãi mãi trường tồn. Văn hóa chính là khát vọng hòa bình”.

Phim xoay quanh cuộc đời và mối lương duyên của hai nhân vật chính Tố Như và Cầm, trải dài theo nhiều mốc cuộc đời hai người. Đan xen vào đó là các biến cố đầy phức tạp của một giai đoạn lịch sử bất ổn từ thời vua Lê - chúa Trịnh đến Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Giai điệu ca trù - ả đào và khúc “Cung phụng” đã trở thành cảm xúc xâu chuỗi tình cảm của hai con người qua thăng trầm loạn thế thời cuộc, tạo nên những xúc cảm sâu lắng.

Cốt truyện hay, hình ảnh đẹp, ánh sáng và gam màu chủ đạo hơi trầm đồng điệu với tiết tấu của phim, âm nhạc gợi mở. Bối cảnh lịch sử nhiều biến động khủng khiếp, chuyện tình vừa thánh thiện vừa bi thương… Hai diễn viên chính thể hiện khá tròn vai, một Nhật Kim Anh mang vẻ đẹp thanh thoát, u buồn vào vai nàng Cầm khá ngọt. Một Ngọc Ngoan sắc xảo nhưng tao nhã diễn khá đạt vai Tố Như nhạy cảm mà mong manh. Phim có nhiều đoạn cảm động, đặc biệt là cuộc hội ngộ giữa Tố Như và nàng Cầm khi cả hai đều tóc nhuốm bạc, người là quan lớn đi sứ, người là kỹ nữ già hết xuân sắc… Chỉ có tiếng đàn, khúc nhạc như thuở xưa. Sau một đêm “tương kính như tân”, vừa vô tình vừa hữu tình... Tố Như viết tặng nàng Cầm bài thơ rồi chàng ra đi, nàng cũng ra đi để lại cây nguyệt cầm, để lại đời sau khúc “Long Thành cầm giả ca”…

Phim có nhiều trường đoạn nén được cảm xúc như cảnh bé Gái - cô Cầm lúc bé được mẹ chăm sóc thay áo trước khi lên kinh thành, mấy màn đàn hát của ca nương... Nhưng cũng có nhiều đoạn khá dàn trải, làm nhạt đi cảm xúc. Hai diễn viên chính mới “tròn vai” chứ chưa thật sự nêu bật tính cách nhân vật để tạo nên ám ảnh.

Long Thành cầm giả ca” đã cho thấy phim truyện lịch sử cổ trang Việt Nam có thể thu hút người xem mà không cần tham đại cảnh, binh hùng, tướng mạnh. Văn hóa và một chiều sâu văn hóa lay động lòng người là sức mạnh, là lối đi của một nền điện ảnh đang tìm lại diện mạo và sức sống cho mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đậm đà văn hóa Kinh Bắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.