Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầm ấm, sum vầy trên đất Mẹ

Thanh Hải| 12/02/2010 07:14

(HNM) - Năm nào cũng vậy, vào dịp Tết đến Xuân về, đất nước lại rộng mở chào đón hàng trăm nghìn kiều bào ở khắp nơi trên thế giới về quê hương chung vui Tết cổ truyền của dân tộc. Nhân dịp đón Xuân Canh Dần 2010, PV Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với một số kiều bào về đón Tết tại quê hương cũng như những dự định, kế hoạch hướng về xây dựng đất nước của bà con.

* Bà Đinh Kim Nguyệt (57 tuổi), Việt kiều Canađa: Tôi sang Canađa năm 2000. Tôi ở vùng Yukon, gần sát biên giới Alaxca của Mỹ, nơi lạnh nhất ở Canađa, với 8 tháng mùa đông, nhiệt độ thấp nhất đến âm 45 độ C. Khi tôi mới sang đó, trong cả vùng băng giá ấy tôi chỉ biết duy nhất anh Pitơ, chồng tôi bây giờ (nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài chính Canađa), không biết, không quen một ai trong cộng đồng mình. Ở xứ sở ấy, buồn, lạnh, nhất là vào dịp Tết đến Xuân về. Nhớ quê lắm. May mắn cho tôi có được bà con cộng đồng mình đùm bọc. Có những người không hề biết mình vẫn tìm đến chia sẻ với tôi, có người tặng chiếc khăn choàng, quần áo. Điều ấy làm tôi thực sự cảm động và đã thôi thúc mình hoạt động trong cộng đồng.

Năm 2009, cùng với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam ở Canađa, chúng tôi đã tổ chức một cái Tết đầu tiên cho toàn thành phố ở vùng Yukon. Rất nhiều người địa phương qua đó mới hiểu vì sao mà chúng ta lại luôn ngóng chờ để đón Tết cổ truyền đến vậy. Cùng với đó, chúng tôi cũng tổ chức nhiều lễ hội văn hóa để gây quỹ phát triển hoạt động truyền thống… Đến nay, mọi hoạt động đã đi vào nền nếp, được nhiều người đón nhận.

Ông Lê Văn Hóa.

* Giáo sư - Tiến sĩ Giôn H LeVan (Lê Văn Hóa), Việt kiều Mỹ: Tôi là Chủ tịch Tổ chức Việt - Mỹ, là một trong ba Việt kiều tiêu biểu được mời về dự tổng kết cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Với tôi, tư tưởng của Bác Hồ luôn hấp dẫn, cuốn hút. Tôi đã dành nhiều thời gian và tâm sức để nghiên cứu tư tưởng của Bác. Tôi nhận ra rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng văn hóa truyền thống dân tộc vào cuộc cách mạng Việt Nam. Bác không chỉ nhấn mạnh đến "Cần, kiệm, liêm, chính" mà Người rất quan tâm đến chữ "Tâm". Nghiên cứu tư tưởng của Bác, khi có điều kiện, tôi đã nói với bà con mình ở nước ngoài rằng, muốn học theo tư tưởng của Bác Hồ, trước khi là đồng chí, mọi người phải là "đồng tâm", điều cực kỳ quan trọng quyết định thành công trong công việc.

Ông Bùi Tiến Thành.

* Ông Bùi Tiến Thành (60 tuổi), Việt kiều Anh: Tôi sang định cư tại Anh từ năm 1979. Để thành đạt như hôm nay trong ngành nghề kinh doanh nhà hàng, khách sạn tại Luân Đôn, tôi đã phải bươn chải trong nhiều nghề, thậm chí có lúc đã bị thất nghiệp, phải sống bằng trợ cấp xã hội. Khi có điều kiện trong cuộc sống, năm cũ qua đi, chúng tôi mới nghĩ đến việc chuẩn bị đón Tết. Tôi phải nói thật rằng, sống ở nước ngoài, những ngày áp Tết cổ truyền của mình thấy buồn lắm. Gần như chúng tôi không có Tết vì phong tục tập quán của mình khác với người bản xứ, hơn nữa, nỗi lo mưu sinh đã cuốn hút nhiều thời gian của mọi người.

Năm 1987, hai vợ chồng tôi bàn tính sẽ quay về nước làm ăn. Lúc ấy, đặt vấn đề như vậy, nhiều người dọa, về nước sẽ bị thu hết tiền bạc, không được về nhà. Tuy nhiên, ở nước ngoài đã lâu và không hợp với cuộc sống bên đó, chúng tôi vẫn quyết tâm bán một số tài sản, mang theo về nước. Tôi là người Việt Nam thứ hai định cư tại Anh về nước. Thời đó, một số tờ báo ở Anh và Mỹ rêu rao là tôi đã bị bắt khi mới đặt chân về nước. Nhưng sự thật thì chẳng ai động đến vợ chồng tôi cả. Sau lần về quê đó, tôi đã quay lại Anh và nói cho bà con hiểu rằng về nước không bị sao cả nên sau đó, rất nhiều người đã về nước. Thực sự về nước đầu tư không phải là dễ dàng nhưng tôi vẫn muốn mang tài sản của mình về đầu tư để tạo cho con cháu công ăn việc làm. Hiện tôi đã mở được khách sạn ở Quảng Ninh và thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện.

Ông Hoàng Xuân Bình.

* TS Hoàng Xuân Bình, Việt kiều Ba Lan: Tôi sống và làm việc ở Ba Lan đến nay đã được hơn 20 năm. Cộng đồng người Việt Nam mình ở Ba Lan rất mạnh, đông. Tết đến có nhiều hoạt động phong phú với sự hỗ trợ của Đại sứ quán mình bên đó. Nói chung bà con mình rất phấn khởi trước sự đổi thay ở quê nhà. Những năm qua, bà con kiều bào ở Ba Lan đã có nhiều hoạt động đầu tư vào trong nước. Đầu năm 2010 này, triển khai tinh thần của Đại hội Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, chúng tôi và các doanh nhân người Việt ở nước ngoài đã tổ chức Hội chợ Xúc tiến thương mại và đầu tư quốc tế lần thứ 1 (IFIT 2010) tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Tôi nghĩ rằng, từ những tín hiệu tích cực ở quê nhà, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp ở nước ngoài nắm bắt cơ hội, liên kết với các doanh nghiệp trong nước để cùng phát triển, hội nhập.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầm ấm, sum vầy trên đất Mẹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.