(HNM) - Từ lúc nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, đêm nào Trung tá Trần Mùi, cựu chiến binh Trung đoàn Thủ đô năm xưa - người con của Hà Nội hiện đang trú tại 20/5 Ngô Đức Kế, phường 12, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh - cũng thao thức không ngủ.
CCB Trần Mùi và tấm ảnh kỷ niệm chụp với Đại tướng. |
Gặp Trung tá Trần Mùi tại nhà riêng, ông bùi ngùi tâm sự: "Dẫu biết rồi cũng có ngày này, nhưng khi nó đến tôi vẫn không ngăn nổi nước mắt vì tiếc thương vị Đại tướng tài ba của dân tộc, người mà tôi ngưỡng mộ từ khi còn là "Vệ út" trong 60 ngày đêm Thủ đô Hà Nội giam chân thực dân Pháp, mùa đông năm 1946.
Ký ức trở về những ngày ầm ầm súng đạn và khói lửa năm ấy, cậu bé Trần Mùi dũng cảm lao đi cùng đội tự vệ chiếm lĩnh vị trí chiến đấu, ném chai xăng và lựu đạn vào xe tăng địch, tự hào trở thành chiến sĩ liên lạc kiêm trinh sát của Tiểu đoàn 101, Trung đoàn Thủ đô. "Khi ấy, tôi là lính của tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp thời bấy giờ". Ông Trần Mùi bùi ngùi. Vừa trò chuyện, ông Mùi vừa lật tìm trang sách có dòng chữ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết, ghi nhận những cống hiến, hy sinh của những thiếu niên Thủ đô quyết tử. Ông luôn coi cuốn sách "Những thiếu niên Thủ đô quyết tử" như báu vật, nâng niu, gìn giữ nó vì trong đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết, "Gần 200 thiếu niên Hà Nội không chịu đi tản cư, trốn ở lại Hà Nội làm liên lạc, dẫn đường, truyền tin, truyền lệnh, sát cánh chiến đấu cùng Trung đoàn Thủ đô ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống xâm lược. Các em là những "Vệ út", những thiếu niên yêu nước rất xứng đáng với truyền thống "tuổi nhỏ chí lớn", với lời thề "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" trong cuộc chiến đấu kiên cường 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội, mở đầu cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống thực dân Pháp".
Những năm kháng chiến chống Pháp sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành thần tượng của ông Trần Mùi và đồng đội. "Cái tài của Đại tướng ở chỗ, ông tính kỹ và nhận định tình hình ta luôn không cân sức với địch, nên cứ chỗ nào địch yếu thì ta đánh, đánh đâu chắc thắng đến đó. Việc thay đổi địa điểm đánh địch mở màn chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 từ Cao Bằng đến cứ điểm Đông Khê đã minh chứng điều ấy. Ta đã đánh vào điểm yếu của địch ở Đông Khê. Thất thủ, địch đưa quân tiếp viện, ứng cứu và ta bố trí trận địa sẵn đón địch tiêu diệt. Rồi đến tổng tiến công Điện Biên Phủ năm 1954, lúc đầu Trung ương Đảng tính "đánh nhanh, thắng nhanh", nhưng sau nhiều ngày suy tính, Đại tướng đã quyết định "đánh chắc, thắng chắc". Nếu năm đó không có sự sáng suốt, tài ba của Đại tướng chuyển cách đánh thì có lẽ giờ này tôi cũng chẳng còn ngồi đây. Luôn suy tính sao cho ít tổn thất nhất chính là tinh thần nhân văn cao cả ở vị tướng Tổng Tư lệnh tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp".
Trung tá Trần Mùi kể tiếp, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, những người lính Trung đoàn Thủ đô trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội trong niềm vui vô bờ… Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư biểu dương: "Trung đoàn Thủ đô đã nối tiếp truyền thống oanh liệt của các vị anh hùng dân tộc, trở thành điểm sáng lịch sử…". Những lời động viên của Đại tướng đã tiếp thêm sức mạnh cho ông và những đồng đội lên đường chiến đấu tới ngày thống nhất năm 1975.
Nghỉ hưu năm 1981, ông Trần Mùi đã cùng vợ con chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống cho đến nay. Mỗi dịp Đại tướng vào miền Nam, ông Trần Mùi cũng đều vinh dự được gặp và chụp ảnh lưu niệm với Người. Ngoài ra, ông cũng đã nhiều lần cùng Đoàn chiến sĩ quyết tử sống ở TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội thăm, chúc thọ Đại tướng. Có lẽ, lần gặp Đại tướng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội khiến ông Trần Mùi không thể nào quên. Cử chỉ gần gũi, đôi mắt sáng quan sát, giọng nói ân cần thăm hỏi, động viên của Đại tướng sẽ mãi trong ký ức của ông.
Nhớ thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Trần Mùi mong ước được ra Hà Nội viếng Người, nhưng vì vợ ông đang bị bệnh, đau yếu nên ông không thể thu xếp được một chuyến đi dài ngày. Ông Trần Mùi cho biết, "Không ra được Hà Nội để tận mắt nhìn thấy linh cữu của Đại tướng, ngày 12-10 tôi sẽ đến viếng, thắp nén nhang cho Đại tướng tại hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.