Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam và nước sở tại để sớm tìm giải pháp phù hợp đưa một nhóm công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại sân bay quốc tế Survanabhumi về nước.
Trước đó, ngày 25-3, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tiếp nhận thông tin về 5 công dân Việt Nam bay từ Ethiopia trên chuyến bay ET518 của hãng hàng không Ethiopian Airlines, dự kiến quá cảnh sân bay Survanabhumi ở Bangkok để nối chuyến về sân bay quốc tế Nội Bài chiều cùng ngày. Nhưng họ không bay về được do đến trễ và không còn chuyến bay về Việt Nam.
Cơ quan Di trú Thái Lan không giải quyết cho 5 công dân này nhập cảnh do không có giấy chứng nhận âm tính với vi rút SARS-CoV-2 và bảo hiểm y tế có hạn mức điều trị 100.000 USD. Ngay khi tiếp nhận thông tin, Đại sứ quán đã lập tức liên hệ với các cơ quan chức năng của cả Việt Nam và Thái Lan, triển khai nhiều phương án cùng lúc nhằm đạt mục tiêu cao nhất là hỗ trợ đưa nhóm công dân này về nước.
Từ ngày 25 đến 28-3, Đại sứ quán đã tích cực tìm các đường bay về Việt Nam. Tuy nhiên, các hãng hàng không có đường bay trực tiếp giữa Bangkok và Việt Nam đều đã dừng bay từ ngày 24-3. Việc quá cảnh qua một hoặc một số sân bay khác về Việt Nam không khả thi và gặp nhiều bất trắc do các chuyến bay đều hoạt động không ổn định, có thể dừng bay bất kỳ lúc nào, đồng thời, hầu hết các chuyến bay chở khách quốc tế đến Việt Nam đã bị hủy.
Cùng với việc tìm đường bay thích hợp về Việt Nam, Đại sứ quán cũng nỗ lực làm việc với các cơ quan chức năng của Thái Lan đề nghị xem xét cho nhóm công dân này nhập cảnh để bảo đảm điều kiện ăn ở, sức khỏe. Ngày 3-4, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã gửi Công hàm thông báo, 5 công dân này không thuộc trường hợp ngoại lệ được xem xét cho nhập cảnh theo Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và Luật Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan.
Từ 0h ngày 26-3, Chính phủ Thái Lan áp dụng Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, đóng tất cả các điểm nhập cảnh, cả đường không, đường thủy, đường bộ và không cho phép người nước ngoài nhập cảnh trừ các trường hợp ngoại lệ được phép của Thủ tướng.
Trong thời gian này, Đại sứ quán thường xuyên giữ liên lạc, thăm hỏi và động viên tinh thần, cung cấp thức ăn và một số đồ dùng cần thiết, đồng thời giữ liên lạc với nhà chức trách sân bay để giải quyết những yêu cầu trước mắt của công dân, trong đó có cả việc hỗ trợ xin không quay trở lại Ethiopia theo yêu cầu của nhóm công dân này.
Ngày 5-4, dưới sự vận động của Đại sứ quán, nhiều kiều bào hảo tâm đã quyên góp thức ăn cùng đồ dùng thiết yếu tiếp tục tiếp tế cho nhóm công dân này.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, một thành viên của nhóm là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1983, cho biết nhóm của anh đi từ Burkina Faso ngày 21-3, quá cảnh Ethiopia và tới Bangkok ngày 25-3. Anh Tuấn cho biết, lo lắng hiện nay của nhóm là sân bay quốc tế Survanabhumi bị đóng cửa và nhóm sẽ bị đưa lại về Ethiopia trong khi nhóm không còn đủ kinh phí để sinh hoạt và mua lại vé máy bay về nước.
Thay mặt nhóm công dân, anh Tuấn bày tỏ cảm ơn sâu sắc đối với tình cảm và sự quan tâm của bà con Việt kiều ở Thái Lan cũng như sự hỗ trợ và giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan.
Trong bối cảnh dịch bệnh tại Thái Lan diễn biến ngày càng phức tạp, chính phủ nước này đã ban bố lệnh khẩn cấp, giới nghiêm, hạn chế đi lại, Đại sứ quán luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đặt ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân. Trước đó, Đại sứ quán đã thông báo cho các cơ quan đại diện Việt Nam trên toàn thế giới, đồng thời khuyến cáo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống dịch của Thái Lan và những rủi ro khi đi lại, khuyến cáo công dân không chọn quá cảnh Thái Lan để về nước.
Đại sứ quán tiếp tục khuyến cáo công dân tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại, không tự ý xuất nhập cảnh Thái Lan vào thời gian này để tránh xảy ra những sự việc bất khả kháng như trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.