Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại lộ mang tên Hà Nội

Nhị Hà| 10/06/2012 06:59

(HNM) - Có một con đường lớn nằm ở cửa ngõ Đông bắc TP Hồ Chí Minh mang tên Xa lộ Hà Nội. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, nối các tỉnh Đông Nam bộ với TP Hồ Chí Minh và miền Tây Nam bộ, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xa lộ Hà Nội trước gọi là Xa lộ Biên Hòa, dài 32km nối Sài Gòn với Biên Hòa, do Mỹ viện trợ, khởi công tháng 7-1957, hoàn thành năm 1961. Cái gọi là "Đệ nhất cộng hòa" lúc đó hết sức tự hào về con đường và đã phát hành bộ tem kỷ niệm nhân dịp khánh thành. Khi đó tuyến đường thực sự thu hút sự quan tâm của nhiều người bởi quy mô và chất lượng thuộc loại "vi kiến thanh, bất kiến kỳ hình". Nhiều ý kiến cho rằng, ngụy quyền Sài Gòn xây dựng con đường để có thể sử dụng làm đường băng dã chiến khi cấp thiết…

Một góc xa lộ Hà Nội.


Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Xa lộ Hà Nội đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhưng, không nhiều người biết rằng, cây cầu mang tên Rạch Chiếc trên con đường này là nơi ghi dấu trận đánh đẫm máu cuối cùng trong cuộc trường kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong hai ngày 28 và 29-4-1975, Lữ đoàn Đặc công - biệt động 316 đã đánh chiếm, chốt chặn cầu Rạch Chiếc - vị trí quan trọng án ngữ cửa ngõ Đông bắc TP. Trong trận chiến đấu không cân sức, kẻ địch thì điên cuồng "tử thủ", 51 chiến sĩ đặc công - biệt động đã ngã xuống để chốt giữ bảo vệ cây cầu. Rạng sáng ngày 30-4, cầu Rạch Chiếc đón các đơn vị chủ lực thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn… Cầu Rạch Chiếc mới đang được xây dựng thay thế cầu cũ, với 3 nhánh bắc qua vàm Rạch Chiếc, gồm 10 làn xe, tổng chiều dài hơn 730 m, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, cầu sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời tạo điểm nhấn mỹ quan đô thị trên Xa lộ Hà Nội.

Năm 1984, kỷ niệm 30 năm Giải phóng Thủ đô, UBND TP Hồ Chí Minh quyết định đổi tên Xa lộ Biên Hòa thành Xa lộ Hà Nội và tuyến đường huyết mạch càng khẳng định rõ hơn vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Xa lộ Hà Nội đã hoàn thành đầu tư mở rộng giai đoạn 1. Giai đoạn 2 khởi công tháng 4-2010, tổng mức đầu tư hơn 2 nghìn tỷ đồng, sẽ mở rộng mặt đường lên hơn 100m. Các nút giao khác mức đã và đang tiếp tục mọc lên, tạo ra diện mạo đô thị hiện đại. Xa lộ Hà Nội trở thành "xương sống" cho nhiều khu đô thị mới, khu công nghiệp và khu chế xuất. Từ quận 1, qua cầu Sài Gòn đã thấy vóc dáng Khu đô thị An Phú, An Khánh, xa xa là Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Xuôi về hướng Đồng Nai là Khu công nghệ cao TP tọa lạc tại quận 9, Khu du lịch Suối Tiên, Khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức)…

Nhìn những đoàn xe container tấp nập trên Xa lộ Hà Nội, không chỉ cảm nhận sức sống ở thành phố trẻ mà còn thấy vui, tự hào về con đường mang tên Thủ đô yêu dấu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đại lộ mang tên Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.