(HNM) - Tại phiên bế mạc Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ (6-9), Tổng thống đương nhiệm Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden đã chính thức chấp nhận đề cử làm đại diện của đảng này ra tranh cử ghế tổng thống và phó tổng thống nhiệm kỳ hai vào tháng 11 tới.
Diễn ra từ ngày 4 đến 6-9, Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ năm 2012 được đánh giá là đại hội có thành phần tham dự đa dạng nhất trong lịch sử 180 năm qua. Nội dung chính của Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ gồm 3 đề mục lớn: khuếch trương nền tảng sức mạnh của đảng Dân chủ; thông qua cương lĩnh năm bầu cử 2012 và đề cử cặp liên danh tranh cử vào tháng 11 tới. Đảng Dân chủ hy vọng sau cuộc tập hợp toàn đảng sẽ tạo bước đột phá nhằm đưa ứng viên B.Obama vượt lên ứng viên Mitt Romney (đảng Cộng hòa) trong những ngày tới. Trong 3 ngày diễn ra đại hội, Tổng thống B.Obama cùng lãnh đạo đảng Dân chủ tìm cách thuyết phục cử tri toàn nước Mỹ về chính sách sắp tới để có thể ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa.
Trái ngược với cương lĩnh của đảng Cộng hòa - vừa được thông qua vào tuần trước - cương lĩnh của đảng Dân chủ tập trung vào cải thiện tình hình kinh tế cho tầng lớp trung lưu bên cạnh những vấn đề xã hội như ủng hộ hôn nhân đồng giới, quyền nạo phá thai, tạo thêm việc làm… Nói cách khác, mục đích chính của những người Dân chủ là phát đi thông điệp tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi kinh tế và xây dựng một nền kinh tế dựa trên lợi ích của giới trung lưu và người lao động. Đây là mảng đối lập dễ nhận ra giữa B.Obama và M.Romney - giữa một người theo đuổi tầm nhìn về một nền kinh tế công bằng cho tất cả mọi người với một người là đại diện cho lớp người giàu trong xã hội Mỹ đa tầng. Xoáy vào điểm này, cựu Tổng thống Bill Clinton và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã có bài phát biểu đầy cảm xúc tại đại hội về những thành tựu xã hội mà nước Mỹ đạt được trong nhiệm kỳ sắp kết thúc của đương kim Tổng thống B.Obama; đồng thời khẳng định đương kim Tổng thống Mỹ thấu hiểu cuộc sống chật vật những người Mỹ bình dân vì bản thân đã sống qua thời kỳ khó khăn tương tự... Bên cạnh đó, các thành viên đảng Dân chủ không quên những thành công mang tính quyết định của Tổng thống B.Obama trong nhiệm kỳ đầu như: tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden; gói giải cứu tài chính cho các ngành công nghiệp Mỹ; kết thúc cuộc chiến Iraq vốn gây nhiều tranh cãi và đang tìm cách chấm dứt cuộc chiến tranh Afghanistan do cựu Tổng thống G.Bush khởi xướng và kéo dài hơn 10 năm qua.
Nhưng chặng đường tái chinh phục cử tri Mỹ của đương kim Tổng thống Mỹ còn rất nhiều thách thức với núi nợ khổng lồ gần bằng GDP của toàn nước Mỹ. Ngày 4-9, Bộ Tài chính Mỹ thông báo nợ công của nước này đã vượt con số 16.000 tỷ USD, tương đương 104% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của Mỹ. Đây là con số đáng sợ vì gần chạm mức 16.390 tỷ USD - mức trần nợ công khiến chính quyền Mỹ hồi năm ngoái đã gặp rất nhiều khó khăn trước các nhà lập pháp. Nợ công tăng đã dán lên lưng mỗi người dân Mỹ một hóa đơn thanh toán khoảng hơn 50.000 USD. Đây là năm thứ 4 liên tiếp ngân sách Liên bang Mỹ bị thâm hụt trầm trọng. Thực trạng này là một đề tài nóng trên các báo Mỹ trong những giờ qua. Dễ dàng nhận thấy, Tổng thống B.Obama đang bước vào một cuộc chiến khó khăn nhằm bảo đảm cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 1930 sẽ không khiến ông phải rời Nhà Trắng chỉ sau một nhiệm kỳ.
Trong bối cảnh hiện tại, đương kim Tổng thống B.Obama vẫn có nhiều ưu thế hơn đối thủ M.Romney qua chính sách đối ngoại, cách ứng xử với tầng lớp trung lưu và giá tiêu dùng. Vậy ai sẽ là người cán đích trong cuộc đua song mã vào Nhà Trắng và điều gì sẽ quyết định lá phiếu của cử tri? Hơn bao giờ hết, kinh tế Mỹ trong giai đoạn hậu khủng hoảng đang là nhân tố hàng đầu dẫn dắt sự lựa chọn vị chủ nhân mới của Nhà Trắng. Và để hoàn thành "giấc mơ Mỹ" về một nước Mỹ mới, thịnh vượng hơn, Tổng thống B.Obama sẽ còn phải nỗ lực không ít.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.