Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại hội Lâm nghiệp thế giới lần thứ 15: Vì một tương lai xanh

Thùy Dương| 08/05/2022 06:32

(HNM) - “Cần phải hành động ngay lập tức để hạn chế nạn phá rừng và khôi phục thiên nhiên”. Đây là lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo môi trường tại Đại hội Lâm nghiệp thế giới (WFC) lần thứ 15 do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc. Được mệnh danh là “Thế vận hội rừng”, đại hội kéo dài 5 ngày này (từ ngày 2 đến 6-5) có chủ đề trọng tâm là "Xây dựng một tương lai xanh, lành mạnh và phục hồi bền vững với rừng”.

Bộ trưởng Lâm nghiệp Hàn Quốc Choi Byeong-am phát biểu tại Đại hội Lâm nghiệp thế giới lần thứ 15 tổ chức ở Seoul, Hàn Quốc.

WFC là sự kiện lớn nhất về lâm nghiệp trên toàn cầu, Đại hội Lâm nghiệp thế giới được FAO tổ chức 6 năm một lần. Đại hội WFC-15 có sự tham dự của 10.000 quan chức chính phủ và thành viên các tổ chức quốc tế, các nhóm công dân, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực lâm nghiệp và môi trường từ 144 quốc gia để thảo luận các vấn đề về rừng, môi trường và đề xuất giải pháp phát triển bền vững. Một trong những kết quả chính của đại hội - “Tuyên bố về Lâm nghiệp Seoul” do nước chủ nhà Hàn Quốc công bố. Tuyên bố nhấn mạnh rằng vì một tương lai bền vững, trách nhiệm quản lý rừng phải được lồng ghép giữa các cơ quan và các bên liên quan. Đặc biệt, sự kiện là cơ hội để chia sẻ chính sách về rừng của Hàn Quốc - một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về ngành lâm nghiệp. Theo Bộ Lâm nghiệp Hàn Quốc (KFS), lịch sử trồng rừng thành công của quốc gia này kể từ sau chiến tranh Triều Tiên đã được cả thế giới công nhận. Hàn Quốc đã đưa ra các sáng kiến và hỗ trợ việc tái trồng rừng thông qua các chính sách khác nhau. Sau nhiều thập kỷ nỗ lực, Hàn Quốc đã có thể khôi phục nhiều khu rừng trên khắp đất nước. Hiện nay, Hàn Quốc đang chuyển giao các kỹ thuật trồng rừng cho nhiều nước như Indonesia, Việt Nam, Myanmar...

Rừng được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu khí hậu toàn cầu như một kho lưu trữ carbon hấp thụ và cô lập carbon từ khí quyển. Tuy nhiên, trong báo cáo “Tình trạng rừng của thế giới năm 2022”, được FAO công bố tại Đại hội lâm nghiệp năm nay cho biết, 40 triệu người Nigeria, đang tham gia trực tiếp vào việc chặt phá rừng và sản xuất than củi.

Còn theo một phân tích của Tổ chức Giám sát rừng toàn cầu thuộc Viện Tài nguyên thế giới và Đại học Maryland vừa được công bố trên CNN, diện tích rừng nhiệt đới bị phá hủy vào năm 2021 khoảng 11,1 triệu héc ta, chủ yếu là do khai thác gỗ cũng như hỏa hoạn. Trong số diện tích bị mất, 3,75 triệu héc ta là rừng nhiệt đới nguyên sinh. Các khu rừng nhiệt đới nguyên sinh đặc biệt là rất quan trọng đối với sự cân bằng sinh thái của hành tinh, cung cấp ô xy hỗ trợ sự sống và là khu vực đa dạng sinh học. Chúng cũng rất giàu carbon dự trữ, khi những khu rừng này bị khai thác hoặc đốt cháy, chúng sẽ giải phóng CO2 vào khí quyển, góp phần làm trái đất nóng lên. Chỉ riêng việc tàn phá rừng nguyên sinh nhiệt đới đã thải ra 2,5 gigatons (1 gigatons bằng 1 tỷ tấn) CO2 vào năm ngoái, tương đương với lượng khí thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch ở Ấn Độ, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới.

Trong thông điệp video gửi tới Đại hội, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J.Mohammed, chỉ ra rằng thế giới đã mất 4,7 triệu héc ta rừng mỗi năm trong thập kỷ qua. Để đảo ngược xu hướng này, ông J.Mohammed đề nghị cộng đồng quốc tế nhìn nhận và hành động tốt hơn về giá trị của rừng, tăng cường hỗ trợ tài chính để bảo vệ cây xanh, hỗ trợ các nhóm bản địa và phát triển “chuỗi cung ứng không mất rừng”. Trong khi đó, Bộ trưởng KFS Choi Byeong-am, người chủ trì WFC-15, nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu mà nhân loại đang phải đối mặt, cho rằng phục hồi rừng và phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng của thời đại ngày nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại hội Lâm nghiệp thế giới lần thứ 15: Vì một tương lai xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.