Trong các ngày 29 và 30-6, tại Hà Nội, Đảng bộ Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Đại hội Đảng bộ cơ quan Ban Kinh tế Trung ương lần thứ hai, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đại diện một số cơ quan trung ương.
Phát biểu khai mạc đại hội, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy cơ quan Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực nhấn mạnh, Đảng ủy cơ quan Ban Kinh tế Trung ương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội các chi bộ trực thuộc. Vai trò của người đứng đầu và trách nhiệm của cấp ủy đảng được thể hiện rõ nét.
Cùng với quá trình lãnh đạo xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ; Đảng bộ cơ quan Ban Kinh tế Trung ương đã tập trung triển khai các giải pháp tăng cường đoàn kết; kiên quyết đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, người lao động đối với Đảng và sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp. Tạo sức mạnh tổng hợp để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ.
Chính việc làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục khó khăn và những mặt còn hạn chế đã tạo nền tảng vững chắc để Ban Kinh tế Trung ương thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ vừa qua, phát huy tốt vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế, qua đó tham mưu giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành chín nghị quyết và bốn kết luận liên quan đến lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, căn cứ vào tình hình thực tiễn của Ban Kinh tế Trung ương, đại hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, sát thực vào nội dung dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và Đại hội Đảng bộ cơ quan Ban Kinh tế Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025.
Đại hội đã chỉ ra nguyên nhân của những thành tích và hạn chế, tồn tại đồng thời đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là phải thường xuyên củng cố, xây dựng, phát huy truyền thống đoàn kết trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy các cấp và các chi bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực và ý thức trách nhiệm với công việc. Tổ chức thực hiện chương trình công tác phải năng động, sáng tạo, sâu sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, công khai, minh bạch, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể đi đôi đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu cấp ủy các cấp. Coi trọng công tác dân vận, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, với sự đoàn kết, đồng tâm, đồng lòng của tập thể cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công chức, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn với việc chủ trì, tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành 13 nghị quyết, kết luận (gồm ba nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, 10 nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị), chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nghị quyết, kết luận của Đảng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội được ban hành trong nhiệm kỳ Khóa XII.
Nhiều nghị quyết, kết luận do Ban tham mưu ban hành đóng vai trò nền tảng, then chốt cho sự phát triển dài hạn của đất nước như về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về phát triển kinh tế tư nhân, về đổi mới và cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước, về chính sách đất đai, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Một số nghị quyết lần đầu tiên được Ban tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành như về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, về các chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh các chủ trương, chính sách chung cho phát triển đất nước, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành nghiên cứu, tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành một số nghị quyết, kết luận về xây dựng và phát triển đối với một số địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột; đã phối hợp nghiên cứu, thẩm định ban hành các chủ trương, cơ chế đặc thù cho thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; đang tích cực triển khai nghiên cứu, trình Bộ Chính trị trong năm 2020 các đề án phát triển của Cần Thơ, Thanh Hoá.
Các nghị quyết, kết luận của Đảng do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, tham mưu trong nhiệm kỳ Khóa XII không những kế thừa và phát triển các quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng về kinh tế - xã hội mà còn tạo ra bước đột phá, đổi mới sâu sắc, toàn diện trong tiến trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, được dư luận trong nước và quốc tế đồng tình, đánh giá cao. Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành tốt việc thẩm định, tham gia ý kiến đối với hàng trăm đề án, báo cáo trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình lưu ý, trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ cơ quan cần phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Trọng tâm là triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo nội dung Chỉ thị 05-CT/TW gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 và Quy định 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Cần nghiên cứu, đề xuất những cách làm hay, sáng tạo việc học tập và triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng phù hợp với đặc thù của cơ quan; gắn các phong trào thi đua, các hoạt động của đoàn thể với các hoạt động nâng cao chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đảng viên, có các giải pháp cụ thể để lãnh đạo xây dựng môi trường làm việc, văn hóa làm việc của Ban ngày càng tốt hơn với tinh thần đoàn kết, kỷ luật và đồng tâm trong công việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.