LTS: Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện lịch sử cực kỳ trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta.
LTS: Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện lịch sử cực kỳ trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Hơn 85 năm xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân làm nên những kỳ tích, mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; thắng lợi của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; thắng lợi của công cuộc đổi mới, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Báo Hànộimới mở chuyên mục "Từ đại hội tới đại hội", ôn lại chặng đường vẻ vang của Đảng ta qua 11 kỳ đại hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất:
Đánh dấu thắng lợi cuộc đấu tranh giữ gìn và khôi phục hệ thống tổ chức Đảng
Đầu năm 1935, sau khi hệ thống tổ chức Đảng được xây dựng, phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển, "Ban Chỉ huy ở ngoài" của Đảng Cộng sản Đông Dương đã quyết định triệu tập Đại hội Đảng lần thứ nhất. Sau một thời gian chuẩn bị về mọi mặt, vượt qua những khó khăn và sự lùng sục gắt gao của bộ máy mật thám, cảnh sát thực dân, từ ngày 28 đến 31-3-1935, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng đã họp tại một địa điểm ở phố Quan Công, Ma Cao (Trung Quốc). Đại hội có nhiệm vụ xác định đường lối cho thời kỳ đấu tranh mới. Tham dự Đại hội có 13 đại biểu: 2 đại biểu của "Ban Chỉ huy ở ngoài", 3 đại biểu đến từ Cao Miên, Nam Kỳ và Trung Kỳ, 1 đại biểu của Lào, 2 đại biểu của Bắc Trung Kỳ, 2 đại biểu của Bắc Kỳ (cuối Đại hội mới tới), 3 đại biểu đến từ Xiêm. Đại hội do đồng chí Hà Huy Tập chủ trì. Lúc này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang công tác ở Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, nên không tham dự.
Đại hội đã thông qua một loạt nghị quyết quan trọng: Nghị quyết Chính trị; các nghị quyết về công tác quần chúng với từng đối tượng cụ thể: Công nhân, nông dân, binh lính, phụ nữ, dân tộc thiểu số, thanh niên, đội tự vệ; Nghị quyết về công tác phản đế liên minh, xây dựng đội tự vệ, công tác cứu tế đỏ; Nghị quyết về các chương trình hành động; Nghị quyết về công tác đã qua của Ban Chỉ huy kiêm Ban Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương; Nghị quyết về hệ thống tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của “Ban Chỉ huy ở ngoài” của Đảng Cộng sản Đông Dương; thông qua Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương, Điều lệ của Tổng Công hội đỏ Đông Dương, Điều lệ Nông hội làng, Điều lệ của Đông Dương phản đế liên minh, Điều lệ Hội Cứu tế đỏ Đông Dương, Điều lệ của Thanh niên Cộng sản Đoàn Đông Dương.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thế giới và trong nước, Nghị quyết Chính trị của Đại hội đề ra 3 nhiệm vụ chủ yếu của toàn Đảng trong thời gian trước mắt là củng cố và phát triển Đảng, thâu phục quảng đại quần chúng lao động, chống đế quốc chiến tranh. Về phát triển và củng cố Đảng, tăng cường phát triển Đảng vào các xí nghiệp, đồn điền, hầm mỏ, đường giao thông quan trọng, biến mỗi xí nghiệp thành một thành lũy của Đảng; đồng thời đưa nông dân lao động và trí thức cách mạng đã trải qua thử thách vào Đảng. Các cấp phải chăm lo tăng cường các đảng viên ưu tú xuất thân từ công nhân vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Để bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động, các đảng bộ cần tăng cường phê bình và tự phê bình đấu tranh trên cả hai mặt chống "tả khuynh" và "hữu khuynh", giữ vững kỷ luật của Đảng. Về thâu phục quảng đại quần chúng, Đại hội chỉ rõ, Đảng mạnh là căn cứ vào ảnh hưởng và thế lực của Đảng trong quần chúng. Nếu Đảng không mật thiết liên lạc với quần chúng, không được quần chúng tán thành và ủng hộ những khẩu hiệu của mình thì những nghị quyết cách mạng đưa ra vẫn chỉ là lời nói không. Muốn thâu phục quảng đại quần chúng thì nhiệm vụ trung tâm, căn bản, cần kíp trước mắt của Đảng là: Bênh vực quyền lợi của quần chúng; củng cố và phát triển các tổ chức quần chúng. Về nhiệm vụ chống chiến tranh, Đảng đã vạch trần luận điệu "hòa bình" giả dối của bọn đế quốc, giải thích cho quần chúng thấy rõ chiến tranh đế quốc đã bắt đầu. Đại hội xem nhiệm vụ chống chiến tranh đế quốc bảo vệ Liên bang Xô viết là nhiệm vụ của Đảng và của toàn thể cách mạng. Đại hội quyết định thành lập Ban Chống chiến tranh đế quốc do Đảng lãnh đạo, bao gồm đại biểu nhiều tổ chức cách mạng và cá nhân yêu nước, yêu hòa bình và công lý.
Nghị quyết Về công tác đã qua của Ban Chỉ huy kiêm Ban Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương đã đánh giá: “Ban Chỉ huy ở ngoài” đã đề ra đường lối chính trị chung đúng với nguyên tắc của Quốc tế Cộng sản; đã biết chỉ đạo các đảng bộ mở cuộc tự chỉ trích Bônsơvích trong Đảng, hiệu triệu các đảng viên chống các xu hướng đầu cơ; đã biết chú ý chỉ thị các đảng bộ liên lạc các công tác tổ chức với đấu tranh, lý thuyết với thực hành. Nghị quyết Về hệ thống tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của “Ban Chỉ huy ở ngoài” của Đảng Cộng sản Đông Dương đánh giá: Trong bối cảnh khó khăn của phong trào cách mạng khi Ban Trung ương ủy viên bị bắt, việc lập ra một cơ quan chỉ đạo như “Ban Chỉ huy ở ngoài” là rất cần thiết; quy định quyền hạn, nhiệm vụ của “Ban Chỉ huy ở ngoài”, mối quan hệ giữa “Ban Chỉ huy ở ngoài” với Ban Trung ương, giữa “Ban Chỉ huy ở ngoài” và Ban Trung ương với Quốc tế Cộng sản.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng, gồm 13 ủy viên (9 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết), đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.
Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng đánh dấu thắng lợi căn bản của cuộc đấu tranh giữ gìn và khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.