Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội
Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
- Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thí điểm tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn. Đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; nâng cao năng lực, tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng bộ.
- Tận dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập quốc tế, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Đi đầu trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ chế, chính sách để khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển Thủ đô. Sớm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế theo các chuẩn mực OECD.
- Phát triển nhanh và bền vững; giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Quản trị xã hội hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế. Chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, ngàn năm văn hiến và anh hùng; thành phố Vì hòa bình, thành phố sáng tạo, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội sâu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển, là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô.
- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, dân cư, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, bảo đảm kỷ cương, văn minh đô thị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh chất lượng xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo cho được chuyển biến căn bản đối với các vấn đề dân sinh cấp bách về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông… Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
- Xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh, toàn diện, ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh nhân dân vững chắc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm hiệu quả; bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và thành phố, các sự kiện quốc gia, quốc tế. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của Đảng bộ, chính quyền và giao lưu Nhân dân; tăng cường phối hợp, hợp tác với các ban, bộ, ngành Trung ương và liên kết các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập, tăng cường vị thế, uy tín và vai trò của Thủ đô trong khu vực và quốc tế.
Nhiệm kỳ 2015-2020 đã đánh dấu một bước phát triển mới của Thủ đô Hà Nội, với nhiều kết quả quan trọng, tiếp nối truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, thành phố Vì hòa bình, xứng đáng với danh hiệu Thành phố sáng tạo.
Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh tổng hợp, quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô, tiếp tục phát huy thuyền thống đoàn kết, thống nhất, chủ động đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị thế, vai trò gương mẫu của Thủ đô như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
- Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
- Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.
- Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch… Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống. Đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045
→ Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
→ Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.
→ Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Mặc dù chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, nhưng Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chủ động, linh hoạt và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 thành công về mọi mặt, nổi bật là đổi mới và nâng cao chất lượng nhân sự. Đây là tiền đề quan trọng để tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố.
Chất lượng nhân sự cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp là tiền đề quan trọng để Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng nhân sự tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
Thực hiện Chỉ thị 35-CT/TƯ ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Hà Nội là một trong những địa phương hoàn thành đại hội cấp trên cơ sở sớm nhất cả nước.
Số lượng các đồng chí trúng cử cấp ủy đảng bộ cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 là 1.621 đồng chí; trong đó có 430 đồng chí tham gia cấp ủy lần đầu, đạt tỷ lệ 26,5%. Nét mới là có 17 đơn vị (34%) đã bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại Đại hội và đều trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối. Cơ cấu nhân sự cũng bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ theo quy định: Có 179 đồng chí cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi), đạt 11%; 372 đồng chí cán bộ nữ, đạt 22,9%. Về trình độ, 100% cấp ủy viên có trình độ từ đại học trở lên. So với nhiệm kỳ 2015-2020, số cán bộ có trình độ trên đại học tăng từ 35,6% lên 64%; trình độ lý luận chính trị cử nhân và cao cấp tăng từ 79,3% lên 86,9%.
Trong khi đó, đại hội Đảng cấp cơ sở cũng cơ bản xong trước ngày 30-6-2020. Tổng số cấp ủy viên trúng cử tại Đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở là 16.608 đồng chí. Chất lượng nhân sự cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 cũng cao hơn nhiệm kỳ 2015-2020, cụ thể: Cấp ủy viên khóa mới có trình độ đại học trở lên đạt tỷ lệ 94,8% (cao hơn nhiều so với tỷ lệ 86,3% nhiệm kỳ trước); trình độ lý luận cũng được nâng lên.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo.
Trao đổi với Báo Hànộimới, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, có được kết quả trên là nhờ Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và các cấp ủy đã chủ động chuẩn bị trước một bước về nhân sự. Trong đó, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, cấp ủy các cấp đã thực hiện tốt rà soát quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020, xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025; hằng năm thực hiện việc điều động, luân chuyển cán bộ, tạo sự ổn định nhân sự chủ chốt trước đại hội. Ngoài ra, việc tổng kết công tác nhân sự nhiệm kỳ 2015-2020, xây dựng phương hướng nhân sự, đề án nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và đoàn đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên được chuẩn bị đúng nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của Trung ương và Thành ủy.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy chỉ ra rằng, đây còn là kết quả của những giải pháp đồng bộ của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và các cấp ủy Đảng về công tác cán bộ - một trong những nhiệm vụ có tính đột phá của nhiệm kỳ. Trong đó, quan trọng nhất là Thành ủy đã chỉ đạo quyết liệt nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ với những giải pháp đổi mới có tính quyết định như: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh; đánh giá cán bộ bằng phương pháp chấm điểm hằng tháng, lấy thước đo chủ yếu là hiệu quả công việc...
Chất lượng nhân sự cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp là tiền đề quan trọng để Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng nhân sự tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố tới đây.