(HNMO) - Không có những màn tranh cãi nảy lửa, những cuộc đấu khẩu như đồn đoán, ĐH cổ đông lần thứ I Cty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã diễn ra trong cảnh sóng yên bể lặng dù đã có lúc tưởng như dậy sóng. Đấy có lẽ là điều bóng đá Việt Nam cần lúc này thay vì rình cơ hội để ra đòn với nhau.
* Thuận hướng
Các Cty ở Việt Nam chắc sẽ rất thèm muốn có được sức hút giới truyền thông như VPF. Gần ĐH cổ đông VPF, mỗi ngày bộ phận thông tin tuyên truyền của LĐBĐ Việt Nam thường phải gạn lọc thông tin từ cả xấp báo dày độ gang tay, không kể báo điện tử, báo nói, báo hình… Sơ sơ mỗi ngày các nhân viên ở đây cũng gạn được từ 10 đến 15 trang A4 những tình tiết quan trọng liên quan đến VPF, khâu tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp- hạng nhất trong các bài báo. Đến ngày ĐH cổ đông, 14-12, không cần giấy mời, không cần “này nọ”, tự khắc mấy chục tờ báo, đủ thể loại, cùng đổ dồn về đưa tin. Một Cty cỡ vừa, với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, trong nền kinh tế Việt Nam mà được giới truyền thông quan tâm như vậy quả là hiếm và đó thực sự là mong ước của những Cty, Tập đoàn lớn hơn nhiều.
Vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF được bầu cho ông Võ Quốc Thắng (giữa). Ảnh: VNE |
Tất cả cũng chỉ cho thấy bóng đá có sức hút đặc biệt và nếu VPF không dính dáng gì đến bóng đá sẽ không bao giờ được quan tâm nhiều như vậy. Cũng vì thế xoay quanh vấn đề nhân sự của VPF đã có nhiều đồn đoán hư hư thực thực. Tuy nhiên chỉ có những người đang nắm giữ cuộc chơi mới biết cuộc chơi sẽ theo hướng nào. Phiên họp trù bị trước ĐH 1 ngày cuối cùng đã quyết hết vấn đề nhân sự và đều theo hướng thuận lợi với những người phất cờ “khởi nghĩa” VPF như bầu Kiên, bầu Đức. Thực tế, trong thời điểm hiện tại, không có sự chọn lựa nào tốt hơn so với những phương án nhân sự mà bầu Kiên hay ông Lê Hùng Dũng đưa ra, nhất là về vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Lê Hùng Dũng xin không tham gia vì bận việc ở LĐBĐ Việt Nam, Eximbank, SJC thì đã tìm được người xứng đáng là Chủ tịch CLB ĐỒng Tâm Long An Võ Quốc Thắng, người đã nhiều năm lăn lộn với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Thế nên sự phản ứng yếu ớt ở màn giới thiệu nhân sự cho các vị trí trong Hội đồng quản trị mà một thành viên CLB Hà Nội (thuộc tập đoàn T&T) đưa ra chẳng thể tạo nên sóng lớn. Vị này đề nghị ông bầu Nguyễn Đức Kiên không nên tham gia Hội đồng quản trị VPF nếu cảm thấy không có thời gian dành cho nó và lập tức nhận được câu trả lời của bầu Kiên:” Nếu tôi ở lại VPF cũng là vì trách nhiệm với bóng đá Việt Nam. Anh Võ Quốc Thắng đã nói rằng sẽ chỉ nhận lời vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF nếu tôi làm phó cho anh ấy. Xin nói thêm, anh Đoàn Nguyên Đức chưa từng bao giờ phải làm phó cho ai cũng rất bận việc nhưng còn chấp nhận làm phó cho anh Thắng. Và nếu chuyện tôi có tham gia Hội đồng quản trị hay không là của các đội chuyên nghiệp chứ không phải là của các đội hạng nhất”. Chỉ từng ấy cũng khiến cuộc họp theo đúng chiều hướng thuận lợi và đủ khiến ông bầu Nguyễn Đức Kiên tự tin không bỏ phiếu cho mình trong phần bầu chọn của các đội chuyên nghiệp. Đơn giản ông biết rằng vẫn sẽ nhận đủ số phiếu bầu cần thiết. Và cũng là cách để bầu Kiên khẳng định rằng không ham hố chức tước ở VPF, có quy mô không hơn một Cty nhỏ của ông. Bầu Kiên, bầu Thắng, bầu Đức, ông Lê Hùng Dũng cũng đã khẳng định rằng sẽ không nhận lương từ VPF- một cách để chứng tỏ rằng họ đề xướng thành lập VPF cũng chỉ vì mong muốn bóng đá Việt Nam phát triển lành mạnh hơn.
* Giờ là lúc thực hiện lời hứa
Ngay tại ĐH cổ đông VPF, những lời hứa đã được đưa ra. Quan trọng nhất vẫn là bầu Kiên khẳng định, VPF sẽ không lỗ ngay trong năm đầu tiên và lợi nhuận trước thuế của Cty sẽ được trích một phần để đầu tư cho các đội trẻ cũng như đội tuyển quốc gia của LĐBĐ Việt Nam và chắc chắn không thấp hơn sự đầu tư trước đây của VFF.
Điều này coi như phủ nhận thông tin trước đây rằng trong năm đầu hoạt động VPF sẽ lỗ và không có chuyện đầu tư cho bóng đá trẻ cũng như đội tuyển quốc gia.
Một vấn đề khác chính là sự phát triển lành mạnh của các giải đấu chuyên nghiệp và hạng nhất, nơi những giá trị thực như các CLB được thi đấu trong bầu không khí cạnh tranh lành mạnh, sai sót của trọng tài giảm tối đa, được trả lại. Nhiều năm qua, bóng đá Việt Nam đã gây mất lòng tin, gây nản lòng cho nhiều ông bầu và ngày càng thưa vắng khán giả. VPF ra đời cũng nhằm mục đích này như lời bầu Kiên :” VPF không đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên mà mục tiêu tối thượng chính là sự phát triển của bóng đá Việt Nam”.
Giờ con người, bộ máy VPF đã hình thành và bắt đầu vận hành. Cũng là lúc những con người được tin tưởng quản lý, điều hành VPF hiện thực hóa lời hứa của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.