Trong 3 ngày, từ 2 đến 4-3, ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với ĐH Tokyo (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo quốc tế về Khoa học bền vững tại châu Á (ICSS-Asia 2011) với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học.
Những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đô thị và nông thôn, bảo vệ môi trường và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đã được các nhà khoa học chia sẻ, trao đổi và tranh luận. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để trong thời gian tới, ĐHQGHN mở mã ngành đào tạo sau ĐH về Khoa học bền vững, một lĩnh vực rất mới không chỉ ở Việt Nam.
Theo GS-TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐHQGHN, lĩnh vực khoa học mang tính liên ngành này có vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với sự phát triển của Việt Nam, quốc gia chịu nhiều tác động của thiên nhiên và trải qua nhiều biến động lịch sử và nguy cơ mất cân bằng sinh thái đang hiện hữu. Là đơn vị đi tiên phong trong khoa học và nhận thức rất rõ tầm quan trọng của khoa học bền vững, ĐHQGHN đã phối hợp với ĐH Tokyo, nơi có các nhà khoa học, trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực này, tổ chức ICSS-Asia 2011 để các nhà khoa học Việt Nam có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, học hỏi những chuyên gia hàng đầu thế giới về Khoa học bền vững. Thông qua hội thảo, các cán bộ quản lý, giảng viên của ĐHQGHN sẽ có thêm thông tin để xây dựng chương trình đào tạo hợp lý, đặt mối quan hệ để mời các giảng viên có trình độ và kinh nghiệm tham gia đào tạo sau ĐH về khoa học phát triển ở ĐHQGHN.
Sau hội thảo này, ĐHGQHN sẽ triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ về Khoa học bền vững, hướng tới đối tượng là cán bộ đang làm công tác quản lý trong các cơ quan Nhà nước để nâng cao trình độ hoạch định chính sách vì sự phát triển bền vững. Trong tương lai, ĐHQGHN tiếp tục đào tạo ngành học này ở cấp độ cao hơn, tổ chức nghiên cứu về Khoa học bền vững với các đề tài, dự án quốc gia để góp phần giải quyết tổng thể các bài toán thực tiễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.