Đại học Aomori, Nhật Bản đã phá vỡ hiện tượng lưu học sinh giả. Hiệu trưởng trường này công khai thừa nhận, để mở rộng tuyển sinh, đã sơ suất tuyển một số lưu học sinh giả.
Đến nay, đã có 140 học sinh Trung Quốc, lấy danh nghĩa học tập nhưng thực tế lại đến Nhật Bản làm việc, đã bị loại khỏi danh sách lưu học sinh tại Nhật Bản. Sự kiện này gây ra phản ứng mạnh mẽ ở Nhật Bản.
Tờ "Asahi Shimbun" Nhật Bản ngày 16/1 đưa tin, Hiệu trưởng Đại học Aomori là Yoichi ngày 14/1 đã tổ chức họp báo, tuyên bố từ năm 2008 - 2010 trường này đã liên tiếp lại bỏ 140 người mang danh lưu học sinh Trung Quốc.
Lý do, các sinh viên Trung Quốc này cơ bản không tham dự lớp học mà chuyên đi làm thuê. Trong đó rất nhiều người thậm chí còn rời khỏi thành phố Aomori, đến Tokyo để tìm việc làm.
Ông Yoichi nói, 1/3 lưu học sinh Trung Quốc bị loại khỏi danh sách lưu học sinh đã bị phát hiện ra các bằng chứng giả mạo về thu nhập, hơn nữa có những sinh viên khi đăng ký nhập học đã nộp chứng chỉ tiếng Nhật theo tiêu chuẩn, nhưng khi nhập học, đã phát hiện ra họ không nói được nửa câu tiếng Nhật.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng trường này cũng thừa nhận, trường đã giảm độ khó thi tiếng Nhật để tăng số lượng tuyển sinh.
Được biết, Đại học Aomori từ năm 2006 bắt đầu tuyển sinh rất nhiều sinh viên Trung Quốc, bởi vì tuyển sinh không những thu được học phí mà còn có thể nhận được nguồn tài trợ của chính phủ, lưu học sinh có thể nói là một nguồn thu quan trọng của nhà trường.
Được biết, tại trường Đại học Aomori, học phí mỗi năm là 550.000 yên, ngoài ra còn phải trả lệ phí tuyển sinh 100.000 yên. Nguồn sinh viên Trung Quốc chủ yếu đến từ 3 trường Nhật ngữ ở Nội Mông và Bắc Kinh, Trung Quốc.
Ủy ban Điều tra nhà trường phát hiện, trong thời gian từ năm 2008 - 2010, một bộ phận đáng kể nhập học Đại học Aomori là sinh viên Trung Quốc, nếu trường không liên hệ với họ, thì họ thường không đi học. Còn có một bộ phận có các loại giấy chứng nhận giả mạo. Những “lưu học sinh” vi phạm quy định này phần lớn đều làm thuê trong phạm vi khu vực Tokyo và quận Aichi. Ngày 19/1, Ủy ban Điều tra sẽ đề ra các biện pháp có liên quan để ngăn chặn tình hình tương tự xảy ra.
Một giáo sư Đại học Sophia, Nhật Bản đã nói với tờ "Global Times" rằng, đến nay ngay cả một số trường đại học ở Tokyo cũng rất khó khăn trong công tác tuyển sinh, huống hồ các trường đại học ở vùng xa xôi.
Sinh viên Đại học Aomori, Nhật Bản (Ảnh minh họa).
Do đó, Đại học Aomori ở thành phố Aomori, phía cực bắc Nhật Bản tuyển sinh lượng lớn sinh viên Trung Quốc là điều có thể hiểu được. Nhưng nếu những sinh viên này cơ bản không phải đến để học, thì nên loại họ ra khỏi nhà trường.
Tờ "Tin tức hàng ngày" của Nhật Bản cho biết, theo quy định, đại học loại bỏ sinh viên phải thông báo cho nhà nước, nhưng kể từ năm 2008, Đại học Aomori hàng năm tuy đều loại sinh viên, nhưng lại không kịp thời thông báo cho chính phủ.
Hiệu trưởng trường này cho biết, việc kiểm tra nhập học của trường Aomori rất lỏng lẻo, bản thân ông cảm nhận được trách nhiệm về xã hội và đạo đức, trong tương lai sẽ chấm dứt hợp tác với các trường Nhật ngữ có liên quan của Trung Quốc, nhưng Đại học Aomori sẽ không thay đổi phương châm là tiếp tục chiêu sinh để tăng số lượng lưu học sinh.
Theo phóng viên "Global Times", Nhật Bản có một số lượng lớn các trường đại học, với sự ảnh hưởng của hiện tưởng lão hóa dân số, đang đứng trước khó khăn trong công tác tuyển sinh. Vì vậy, một số trường đại học Nhật Bản đã lấy sinh viên Trung Quốc làm một nguồn quan trọng, tuyển sinh với số lượng lớn.
Nhưng, học phí đắt đỏ của Nhật Bản lại trở thành gánh nặng cho lưu học sinh Trung Quốc, dẫn đến đa số lưu học sinh Trung Quốc buộc phải vừa làm vừa học. Có một số người coi nguy cơ thiếu sinh viên của các trường đại học Nhật Bản là cơ hội phát tài, tiến hành kinh doanh “mua đi bán lại” vi-sa, kết quả là một bộ phận người Trung Quốc có mục đích làm thuê đã lấy tư cách lưu học sinh để đến Nhật Bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.