Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Đại gia" - ngày ấy, bây giờ... - Kỳ 3: Những người tù trong vụ án Năm Cam

ANHTHU| 12/09/2005 10:24

Hồ Việt Sử đang nói về bức thư ngỏ của mình. ảnh: T.GNiềm hy vọng của Hồ Việt Sử

Cũng cùng "nổi tiếng" như nhau trong vụ án "Năm Cam và đồng phạm" nhưng số phận mỗi người mỗi khác...

Hồ Việt Sử đang nói về bức thư ngỏ của mình. ảnh: T.G

Niềm hy vọng của Hồ Việt Sử

Lúc chúng tôi đến trại Z-30A thì cũng là ngày vợ của Hồ Việt Sử lên thăm anh ta. Vừa gặp mặt, Hồ Việt Sử đã cười rất tươi, bắt tay chúng tôi. Bằng phong cách khá thoải mái, Hồ Việt Sử kể ngay về chuyện gia đình anh ta vừa đến và cảm xúc của một người tù khi gặp lại người thân. "Anh lên đây được bao lâu rồi?". "Tôi lên đây được 32 ngày, trước đó tôi ở Tiền Giang". "Hiện nay anh được phân công làm công việc gì trong trại?". "Vì mới lên Z-30A nên tôi chưa được Ban Giám thị ở đây phân công công việc...". "Với bản án 7 năm tù, trừ thời gian đã ở tù trước đây, ngày về của anh rất gần. Anh dự tính là sẽ làm gì khi ra tù?". "Ở trong này không tính được cái gì khi xã hội bên ngoài thay đổi hằng ngày... Làm gì cũng được, hồi trước mình kiếm được 100 ngàn đồng/ngày, giờ mình kiếm 10 ngàn/ngày cũng không sao, càng làm lớn càng nhiều chuyện... miễn là khi ra tù, mọi người xung quanh không ruồng rẫy mình...".

Trong câu chuyện với chúng tôi, Hồ Việt Sử dường như cũng muốn tranh thủ thanh minh thêm những tình tiết liên quan đến bản thân trong vụ án mà dư luận đã biết. Anh ta có vẻ như nhớ rất rõ, đến từng chi tiết, từ vụ xô xát với băng nhóm của trùm xã hội đen Đài Loan A Lý ở vũ trường Metropolis đến những lần đánh bạc ở đường Trần Bình Trọng... Theo Hồ Việt Sử, mâu thuẫn giữa anh ta và A Lý xảy ra là có sự nhúng tay của Năm Cam, nhưng dưới góc độ "cạnh tranh" vì vũ trường Metropolis đông khách cũng đồng nghĩa với việc vũ trường Monaco (có cổ phần của Năm Cam) mất khách.

Với tất cả niềm hy vọng mà một người tù có thể có được, Hồ Việt Sử mong rằng với những điều mà anh ta đã làm, anh ta sẽ được hưởng sự khoan hồng hơn nữa của luật pháp để ngày trở về làm người lương thiện gần hơn.

"Sát thủ" Nguyễn Xuân Trường

Không giống như những gì mà mọi người đã hình dung về một sát thủ, Nguyễn Xuân Trường xuất hiện trước mặt chúng tôi với vóc dáng thư sinh, cao, gầy, trắng xanh xao và đi đứng rất chậm chạp. Vừa bước vào căn phòng thăm gặp, Nguyễn Xuân Trường đã đưa mắt nhìn xung quanh như tìm kiếm ai đó rồi lặng lẽ ngồi xuống một góc phòng, nghiêng đầu ngó chúng tôi bằng cặp mắt rất xa lạ, pha lẫn nghi kỵ. Khi biết chúng tôi là người muốn gặp để trao đổi thì Nguyễn Xuân Trường tỏ ra thất vọng và buông một câu rất thờ ơ: "Em tưởng là ra gặp mặt gia đình!". Lúc nhận được những câu hỏi từ phía chúng tôi, Nguyễn Xuân Trường suy nghĩ rất lâu mới trả lời: "Em sinh năm 1974, ngụ ở Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội... Vừa mới chuyển lên trại Z-30A được mấy mươi ngày, em bệnh suốt... Gia đình có vào thăm em một lần". Nói về Nguyễn Việt Hưng - tức Hưng "pi-nhon", người trực tiếp bắn chết Dung "Hà", Trường cho biết: "Em chẳng nghĩ ngợi gì về Hưng, án ai người nấy nhận. Khi nghe tin Hưng bị xử bắn, dù sao thì Hưng với em là bạn nên sau đó em cũng buồn".

Với Nguyễn Xuân Trường, dường như tất cả chỉ còn tóm gọn bằng một câu: "Em chẳng nghĩ ngợi gì hết, em thường xuyên bị đau đầu...". Trường không nhớ đến Dung "Hà", không nhớ đến cả tình tiết của vụ án vì: "Không bao giờ nghĩ lại, không có ấn tượng. Lúc đó, em đứng ngoài đường Cách Mạng Tháng Tám, biết là nó vào nó bắn nhưng lại không nghĩ là sự việc lại diễn ra như vậy". Những cảm xúc hết sức lờ mờ xuất hiện trên nét mặt gần như vô cảm là những gì mà chúng tôi ghi nhận lại sau 30 phút trao đổi với Nguyễn Xuân Trường.

Tuy nhiên, khi được hỏi: "Nếu bây giờ được cho thời gian quay trở lại...?" thì Nguyễn Xuân Trường trả lời rất nhanh: "Tất nhiên là em sẽ đi theo bố em làm ăn"... Nói chuyện với chúng tôi nhưng cặp mắt của Nguyễn Xuân Trường vẫn nhìn xa xăm như tìm kiếm một cái gì ở đâu đó, ngón tay cứ vẽ vẽ thành hình vòng tròn trên trán mình. Những câu hỏi của chúng tôi, Trường có vẻ như cố gắng lắm mới nghe và hiểu được, và cũng với một sự cố gắng như thế, Trường trả lời nhát gừng từng câu.

Theo TN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Đại gia" - ngày ấy, bây giờ... - Kỳ 3: Những người tù trong vụ án Năm Cam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.