(HNM) - Đầu năm 1951, thời điểm cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đang có nhiều diễn biến mới, phát biểu tại Hội nghị đại biểu Việt Minh - Liên Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Câu nói bất hủ đó đã khái quát một chân lý trong quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh: Đoàn kết là cái gốc làm nên thành công và đại đoàn kết tạo thành sức mạnh dẫn đến đại thành công.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố đầu tiên và sâu xa chính là truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết của dân tộc.
Đề cập đến truyền thống yêu nước của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta từ xưa đến nay. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước".
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã phải đương đầu với các cuộc xâm lăng của các thế lực ngoại bang. Song, tất cả những hành động hung hãn, bạo tàn của kẻ thù dù mạnh hơn rất nhiều lần đều thất bại thảm hại trước tinh thần yêu nước kiên cường, bất khuất của dân tộc ta. Phải khẳng định rằng, ý chí quật cường, bất khuất và tinh thần đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh để dân tộc Việt Nam đánh thắng các đạo quân xâm lược khổng lồ. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, truyền thống đoàn kết, yêu nước đã trở thành lẽ sống của mỗi người Việt Nam, gắn chặt vận mệnh của mỗi cá nhân vào vận mệnh dân tộc, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng và của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc kết hợp với vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cách mạng Việt Nam, đồng thời đúc rút kinh nghiệm thực tiễn của cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới, là cơ sở hình thành những nguyên tắc cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là đại đoàn kết phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm những lợi ích tối cao của dân tộc, lợi ích của nhân dân lao động và quyền thiêng liêng của con người; tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của dân, với quan điểm “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, “lấy dân làm gốc”; đại đoàn kết dân tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa yêu nước chân chính phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân…
Xác định tư tưởng Hồ Chí Minh là “ngọn đuốc soi đường”, Ðảng ta luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Ðảng, các tầng lớp nhân dân, không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, đã tập hợp, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc giành thắng lợi lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN sau này. Ðại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành đường lối chiến lược của cách mạng nước ta. Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trở thành động lực của sự nghiệp đổi mới, CNH - HÐH đất nước. Sau gần 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn. Ðường lối, chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa. Các tầng lớp nhân dân chung sức, chung lòng cùng Ðảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
2. Hơn nửa tháng qua, dư luận cả nước và thế giới đã kiên quyết lên án hành động của Trung Quốc đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; sử dụng nhiều tàu quân sự ngăn cản các lực lượng của Việt Nam cùng ngư dân Việt Nam đang thực thi pháp luật và đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các hội nghề nghiệp, tôn giáo, các cộng đồng người Việt ở nước ngoài… đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế, giới học giả và truyền thông các nước, trong đó có cả người Trung Quốc đã phản đối hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc trước nguy cơ mất ổn định đối với hòa bình, an ninh trong khu vực và trên thế giới. Có thể nói, biện pháp đấu tranh mềm dẻo nhưng cương quyết, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết của các tầng lớp nhân dân của ta bước đầu đã đạt được những thắng lợi rất quan trọng và nhận được sự đồng tình, ủng hộ sâu sắc của cộng đồng quốc tế, tạo nên làn sóng mạnh mẽ phản đối hành động bất hợp pháp của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong lúc các lực lượng chấp pháp và bà con ngư dân ta đang căng sức nơi “đầu sóng” để bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, các tầng lớp nhân dân đang mạnh mẽ lên án hành động của Trung Quốc, trong lúc cộng đồng quốc tế đang thể hiện sự ủng hộ sâu sắc với Việt Nam thì ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh đã xảy ra hiện tượng mượn danh “yêu nước” để kích động những hành vi phá hoại, cướp bóc tài sản của doanh nghiệp (DN) nước ngoài, chủ yếu là DN Trung Quốc, xô xát với người lao động Trung Quốc làm việc tại các cơ sở kinh tế có vốn đầu tư của nước này… Đáng nói là trước đó, trên một số diễn đàn, trang mạng xuất hiện những lời lẽ kích động, kêu gọi bạo lực của một số người mượn danh “yêu nước” để thực hiện những hành động xấu xa…
Phải khẳng định những DN Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam trên cơ sở quan hệ hợp tác, hữu nghị, cùng phát triển. Họ và những người lao động cũng như đông đảo người dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình - không liên quan đến hành động đặt giàn khoan xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Những cơ sở kinh tế của nhà đầu tư Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam là một thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, do vậy việc phá hoại những cơ sở này cũng chính là phá hoại nền kinh tế đất nước. Những hành động quá khích nói trên - gọi cho đúng là những hành vi hết sức mông muội, đáng nói là có sự kích động, lôi kéo của một số phần tử thù địch, chống phá Nhà nước, phá hoại hòa bình - không những đã vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư. Và điều đáng nói là một số lượng không nhỏ người lao động có nguy cơ bị mất việc làm, trong đó có không ít người đã thể hiện tinh thần “yêu nước” bằng các hành vi phá hoại. Đặc biệt những hành động như vậy đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh đất nước Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình trong mắt bạn bè quốc tế; đồng thời làm tình hình an ninh chính trị thêm căng thẳng, với những diễn biến không có lợi cho đất nước. Những hành vi mượn danh “yêu nước” đó không thể đại diện cho tiếng nói yêu nước của nhân dân Việt Nam. Các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm những hành động phá hoại này, đồng thời khẩn trương hỗ trợ các DN ổn định sản xuất kinh doanh, qua đó khẳng định đường lối, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn làm hết sức mình tạo mọi thuận lợi và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, doanh nghiệp và cơ quan nước ngoài tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
3. Nhiều người còn nhớ, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng, Nhà nước ta đã phải đương đầu với nhiều âm mưu chống phá chính quyền cách mạng còn non trẻ của các thế lực “thù trong, giặc ngoài”. Để tránh bất lợi khi phải cùng một lúc chiến đấu với nhiều kẻ thù, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tạm thời hòa hoãn với quân Tưởng để tập trung sức chống thực dân Pháp; đồng thời tăng cường đàm phán hòa bình với Pháp, thông qua việc Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 với đại diện Chính phủ Pháp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau… nhằm kéo dài thời gian hòa bình để có điều kiện củng cố chính quyền, chuẩn bị tốt khi chiến tranh xảy ra…
Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Trong suốt chiều dài lịch sử phải đương đầu với rất nhiều cuộc xâm lăng nên hơn ai hết người Việt Nam không mong muốn chiến tranh, bởi chiến tranh không có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển. Sách lược “hòa để tiến” trong những ngày đầu thành lập nước đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị; đồng thời giúp chúng ta hiểu rõ giá trị của hòa bình, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc càng khẳng định tính thực tiễn đúng đắn của một di sản tinh thần vô giá đối với đất nước và dân tộc Việt Nam. Do đó, mọi người Việt Nam cần thể hiện tình cảm yêu nước một cách tỉnh táo, đúng pháp luật, đặc biệt là phải đặt lợi ích tối cao của dân tộc lên hàng đầu. Có như vậy sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc mới đi tới thắng lợi, đáp ứng mong muốn của Bác Hồ kính yêu cũng như nguyện vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.