(HNMO) - Ngày 10-11, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, đại dịch Covid-19 đang đe dọa thế hệ tiếp theo của Mỹ Latinh vì khiến 97% trẻ em ở Mỹ Latinh và vùng Caribe không thể đi học bình thường trong hơn 7 tháng qua. Cảnh báo này được đưa ra khi số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã lên tới 51.194.108 người, 1.268.293 trường hợp tử vong (tính đến 6h ngày 10-11).
Châu Mỹ
Theo UNICEF, học trực tuyến đặc biệt khó khăn đối với nhiều gia đình ở Mỹ Latinh và vùng Caribe do không có các công cụ phù hợp như internet, máy tính, tivi và radio. Điều đó càng khiến khoảng cách giàu nghèo gia tăng hơn.
Trong khi nhiều trường học ở châu Á, châu Âu và châu Phi đang dần mở cửa trở lại, thì vẫn còn một nửa trong số 36 quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe đóng cửa trường học. Khoảng 137 triệu trẻ em đang bỏ lỡ cơ hội giáo dục trong điều kiện chưa có dấu hiệu kết thúc của đại dịch.
Báo cáo của UNICEF cảnh báo hơn 3 triệu học sinh có thể sẽ không bao giờ trở lại trường học. Điều đó sẽ đe dọa tương lai của những người dễ bị tổn thương nhất, đó là trẻ em gái, người khuyết tật trẻ tuổi, người di cư và trẻ em bản địa.
Venezuela cùng với các quốc gia như Mexico, Jamaica, Bolivia và Honduras đang phải đối mặt với sự thụt lùi trong giáo dục. Việc đóng cửa trường học do đại dịch, tình trạng thiếu giáo viên và cắt điện khiến nhiều học sinh ở Venezuela phải tiếp tục việc học bên ngoài ngôi trường truyền thống.
Chuyên gia giáo dục tại Panama thuộc Văn phòng UNICEF khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Vincenzo Placco cho rằng: “Việc nghỉ học kéo dài sẽ có những tác động nghiêm trọng đến tương lai và sự phát triển của tất cả trẻ em và thanh thiếu niên ở khu vực này. Đừng quên rằng, Mỹ Latinh và Caribe cũng giống như các khu vực khác trên thế giới, đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng giáo dục”.
UNICEF kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khu vực tạo ra các trường học bình đẳng và hòa nhập hơn để có thể chống chọi tốt hơn đối với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Trong khi đó, tại Mỹ, con số thống kê cho thấy, riêng trong tuần qua, số bệnh nhân mới đã tăng tới 36% (tương đương 745.000 người) so với tuần trước đó. Thống đốc bang Utah, ông Gary Herbert, đã ban bố tình trạng khẩn cấp mới nhằm ứng phó tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Toàn bang sẽ phải tuân thủ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang cho tới khi có thông báo mới.
Hiện tại, Mỹ đã có 244.293 ca tử vong trong tổng số 10.395.026 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, chiếm 1/5 tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu.
Châu Âu
Văn phòng Tổng thống Ukraine xác nhận, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Thông cáo của văn phòng viết: “Tổng thống vẫn cảm thấy khỏe mạnh và sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ của ông từ xa theo chế độ tự cách ly”.
Cùng ngày, đại diện của Bộ Y tế Nga Oksana Drapkina dẫn dữ liệu tổng hợp từ các hoạt động tiêm chủng trên diện rộng tuyên bố vắc xin ngừa Covid-19 của nước này có hiệu quả lên tới hơn 90%.
Thủ tướng Hungary công bố biện pháp phong tỏa một phần nhằm khống chế dịch bệnh đang gia tăng tại quốc gia này. Thông báo trên Facebook, ông Orban cho biết, các biện pháp mới sẽ có hiệu lực từ ngày 11-11, bao gồm mở rộng lệnh giới nghiêm ban đêm, cấm tụ tập và đóng cửa các quán bar, nhà hàng, các địa điểm tham quan văn hóa.
Trong khi đó, các sự kiện thể thao sẽ được tổ chức theo hình thức không khán giả, các trường đại học và trung học chuyển sang dạy trực tuyến, trường tiểu học và mẫu giáo hoạt động bình thường. Các biện pháp này sẽ được áp dụng trong tối thiểu 30 ngày.
Để kích hoạt các biện pháp này, Quốc hội Hungary sẽ thông qua lệnh tình trạng khẩn cấp trong ngày 10-11, cho phép chính phủ ban hành sắc lệnh.
Truyền thông Đức trích dẫn bản sao tài liệu chiến lược vắc xin quốc gia của nước này cho thấy Berlin hy vọng sẽ có vắc xin phòng Covid-19 trong quý đầu năm 2021. Bộ Y tế Đức đã nêu ra 7 vắc xin "tiềm năng" dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn thử nghiệm trong năm 2020 hoặc năm 2021. Những loại vắc xin này do các công ty AstraZeneca, BioNtech phối hợp với Pfizer, Moderna và Novovax, Johnson &Johnson, GlaxoSmithKline và CureVac sản xuất.
Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn kêu gọi thế giới tiếp tục duy trì cuộc chiến chống dịch Covid-19, đồng thời cảnh báo, trong khi thế giới dường như đã "mệt mỏi" vì dịch bệnh thì vi rút SARS-CoV-2 vẫn chưa hề "nản cuộc".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.