(HNMO) - Dự án nạo vét sông Sào Khê với phê duyệt ban đầu là 72 tỷ đồng nhưng sau đó bị đội vốn lên gần 2.600 tỷ đồng được một số đại biểu Quốc hội nêu ra.
Chiều nay, tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội). |
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu, vừa qua, cử tri giật mình với dự án nạo vét sông Sào Khê (tỉnh Ninh Bình) với phê duyệt ban đầu là 72 tỷ đồng, nhưng sau đó bị "nở" ra thành 2.600 tỷ đồng. "Có thể nói, cả thế giới khó tìm ra được loại bột nở nào để làm nở kinh phí đầu tư lúc đầu chỉ là con chuột nhắt, sau là con voi, lại là voi ma mút như vậy" - đại biểu ví von.
Tranh luận sau đó, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đã đưa ra những thông tin làm rõ thêm về dự án này. Theo đó, dự án nạo vét sông Sào Khê bắt đầu từ năm 2001, với mục đích ban đầu là nạo vét sông phục vụ thủy lợi tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. Nhưng vì sông Sào Khê chảy qua khu vực Cố đô Hoa Lư, chảy qua di sản thế giới Tràng An, và Ninh Bình lại là vùng đất du lịch, cho nên dự án được điều chỉnh lại.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình). |
"Đầu tiên, mục tiêu chỉ dành cho sản xuất nông nghiệp, sau đó, dự án điều chỉnh với 4 mục tiêu là sản xuất nông nghiệp, tôn tạo Cố đô Hoa Lư, tạo nền tảng một bước để Tràng An được công nhận là di sản thế giới, phục vụ cho giao thông thủy, phục vụ cho các công trình để phát triển du lịch. Chính vì yêu cầu đó, dự án được điều chỉnh lại.
Nguồn vốn ở đây không phải là toàn bộ vốn ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước trong dự án này có khoảng 1.400 tỷ đồng. Số vốn còn lại là của doanh nghiệp và các nguồn vốn khác kết hợp để phát triển du lịch của địa phương" - đại biểu tỉnh Ninh Bình nêu.
Tiếp tục tranh luận về dự án đội vốn 36 lần này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ quan điểm, một dự án đầu tư phát triển tăng vốn hơn 30 lần như thế thì không thể giải thích gì thêm được, vì đầu tư phát triển, quan trọng nhất là chất lượng và hiệu quả.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa giơ biển tranh luận chiều 28-5. |
"Dự án đó kéo dài, chưa nói tham nhũng, tiêu cực là nó đã không có hiệu quả, và không hiệu quả thì nó lại tác động ngược trở lại nền kinh tế, thua lỗ và là gánh nặng của nền kinh tế. Khi đội vốn và kéo dài thì không có hiệu quả. Tôi đề nghị, tốt nhất chúng ta thanh tra dự án này và từ thanh tra này chúng ta đi đến kết luận đâu là khách quan, đâu là chủ quan. Nếu khách quan và đáng khen thưởng thì chúng ta khen thưởng, còn chỗ nào đáng khắc phục, đáng sửa chữa và phải rút kinh nghiệm, chúng ta phải rút kinh nghiệm" - đại biểu Nghĩa kiến nghị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.