(HNM) - Bên lề hội nghị, ông Phạm Minh Tuyên, Tổng Thư ký Hội đồng Bầu cử TƯ đã trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí xung quanh tiêu chuẩn đại biểu QH, HĐND các cấp. Theo ông Tuyên, để bảo đảm HĐND làm việc chuyên trách thì ngoài tiêu chuẩn chung, phải trung thực, phải là người thực sự có năng lực, được nhân dân tín nhiệm để tham gia vào các ủy ban của QH, các ban chuyên môn của HĐND.
- Thưa ông, công tác nhân sự đại biểu QH khóa tới có điểm gì mới?
- Cái mới là nhấn mạnh tiêu chuẩn của đại biểu, đặc biệt là tiêu chuẩn đại biểu chuyên trách. Với đại biểu chuyên trách, ngoài tiêu chuẩn mà luật đã quy định thì phải là những người thực sự gương mẫu trong cuộc sống, được nhân dân tín nhiệm, có năng lực tham gia vào Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH. Đại biểu có đủ tiêu chuẩn thì mới bảo đảm sức mạnh của QH. Tuy nhấn mạnh tiêu chuẩn nhưng không bỏ cơ cấu, là vì cơ cấu bảo đảm tiếng nói đồng bộ của các dân tộc và các khu vực.
- Nhưng tiêu chuẩn theo như ông nói thì còn chung chung quá, ông có thể cho biết cụ thể hơn những quy định bắt buộc được coi là mới với đại biểu QH chuyên trách khóa tới?
- Đại biểu QH chuyên trách ở địa phương thì phải có năng lực chuyên môn tương đương với các ủy viên thường vụ tỉnh ủy hoặc phó chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, hoặc đã quy hoạch vào chức vụ này và có hướng phát triển tốt.
Còn đại biểu ở TƯ thì phải đã và đang làm vụ trưởng hoặc có trình độ tương đương từ vụ trưởng các cơ quan TƯ trở lên mới bố trí làm chuyên trách. Đây là điều được nhấn mạnh trong quá trình chuẩn bị bầu cử. Thực ra mọi kỳ trước cũng đã đưa ra yêu cầu với đại biểu chuyên trách nhưng lần này phải yêu cầu chặt hơn, phải làm kỹ hơn và tập trung hơn.
- Nhiều ý kiến cho rằng nếu quá "nặng" về cơ cấu thì khó có thể nâng cao chất lượng đại biểu?
- Không phải quá nặng về cơ cấu đâu. Phân bố thế nào thì Ban Tổ chức Trung ương sẽ cân nhắc cho hợp lý. Ví dụ khoảng 20 đại biểu là bí thư, 10 đến 12 chủ tịch, 30 là phó bí thư... là phải nói rõ và được phân bố ở các vùng miền khác nhau.
- Đại biểu đang công tác tại các cơ quan hành pháp sẽ tăng hay giảm, thưa ông?
- Không giảm, vẫn giữ như khóa XII. Có khoảng 15 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương. QH cần giữ tỷ lệ hợp lý đại biểu là bộ trưởng và lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.
- Thế còn tỷ lệ đại biểu nữ và đại biểu trẻ tuổi có được nâng lên không?
- Tỷ lệ đại biểu nữ thì khóa nào cũng cố gắng đạt 30% nhưng thực tế thường không đạt được. Lần bầu cử này cố gắng đạt, vì thực chất đại biểu nữ tham gia QH rất tốt, có nhiều chị em có đầy đủ điều kiện tham gia, kể cả làm đại biểu chuyên trách. Vấn đề là do các cơ quan, đơn vị tổ chức giới thiệu và sự tín nhiệm cụ thể của đại biểu với nhân dân. Quá trình giới thiệu tốt thì sẽ chọn được đại biểu tốt.
Đối với đại biểu trẻ, hướng chung là có nhu cầu bồi dưỡng đại biểu trẻ nhưng phải có năng lực, sự am hiểu và có khả năng đảm nhiệm vai trò của đại biểu. Chứ còn tuổi trẻ mà không thỏa mãn yêu cầu đó thì sẽ làm giảm chất lượng của QH. Định hướng tỷ lệ đại biểu trẻ khoảng độ 30%, nhưng khái niệm trẻ có thể là 40 tuổi chứ không phải là 25 hay 18 tuổi được.
- Thưa ông, tỷ lệ đại biểu tái cử khóa XIII có cao hơn khóa XII không?
- Đang cố gắng bảo đảm khoảng 40%, khóa trước trên 30% một chút.
- Những quy định về quyền tự ứng cử của đảng viên có gì mới không, thưa ông?
- Không hạn chế quyền dân chủ của đảng viên tham gia ứng cử đại biểu QH. Đảng viên có quyền ứng cử theo luật nhưng mỗi người tham gia tổ chức thì phải tuân thủ quy định của tổ chức đó để bảo đảm giới thiệu có sự lựa chọn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.