(HNMO)-
Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Trước đó, báo cáo đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc.
Các ĐB cũng đã thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015. |
Chỉ nêu chung chung, cuối cùng chẳng ai có trách nhiệm gì
Phát biểu mở màn cho buổi thảo luận, ĐB Thân Đăng Khoa (Bắc Giang) bày tỏ băn khoăn với việc sử dụng vốn được đánh giá qua hệ số ICOR. Ông Khoa nêu: "Nếu so sánh với một số quốc gia đã trải qua giai đoạn phát triển tương đồng như Việt Nam thì hệ số ICOR của Việt Nam hiện nay vẫn đang ở mức cao. Báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư đã nêu nguyên nhân làm cho hệ số ICOR của Việt Nam cao một phần là là do Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tư cho hạ tầng cơ sở, bao gồm cả hạ tầng cơ sở vùng sâu, vùng xa, đầu tư cho xoá đói giảm nghèo, bảo dảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, theo tôi, còn có nguyên nhân khác là trong đẫn đến công tác quy hoạch hạn chế, thiệt hại từ quy hoạch treo, quy hoạch không đồng bộ, quyết định đầu tư còn dàn trải, hiệu qủa thấp, thất thoát lãng phí xảy ra nhiều, cơ chế kiểm tra, thanh tra giám sát chưa hiệu quả; chế độ trách nhiệm chưa rõ ràng...
"Quy định về chế độ trách nhiệm trong quản lý điều hành chưa cụ thể hoá trách nhiệm của từng lĩnh vực, từng vị trí cụ thể đẫn đến nhiều chế độ trách nhiệm chưa rõ ràng. Chúng ta chưa nêu được những cán bộ làm tốt thì khen thưởng thế nào, làm không tốt, không hoàn thành thì trách nhiệm đến đâu. Phần lớn chỉ nêu trách nhiệm chung chung, không rõ ai là người kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm và cuối cùng chẳng ai có trách nhiệm gì. Đề nghị Chính phủ cần có biện pháp cao hơn nữa, cụ thể hơn nữa chế độ trách nhiệm trong công tác quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư trong thời gian tới " -ĐB đề nghị.
Một cái lắc đầu của chủ tịch tỉnh có thể tước cơ hội làm ăn của DN
Phân tích về việc hội nhập của đất nước, ĐB Trần Khắc Tâm (đoàn Sóc Trăng) cho rằng chúng ta đang sống trong nguồn "cảm xúc" mang tên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi vừa hoàn tất đàm phán.
| ||
"9 năm trước, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), (Tổ chức Thương mại thế giới), tôi là một cử tri theo dõi các hoạt động của Quốc hội thì thấy rằng có nhiều phát biểu rất lạc quan, có người đã nghĩ là sau khi gia nhập WTO thì kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 8-9% trong 10 năm liên tiếp, Việt Nam có thể sớm hóa rồng, hóa hổ. Nhưng thực tế lại khác, những tác động bất lợi bên ngoài và yếu kém bên trong đã nhiều phen làm chúng ta lao đao” - ĐB nêu thực trạng, đồng thời lý giải nguyên nhân bất ngờ từ DN, đội quân được coi là tiên phong trong hội nhập.
"Điều đáng lo ngại hiện nay là trong khi các nhà lãnh đạo cứ bày tỏ quyết tâm, các đoàn đàm phán cứ hăng say trên bàn đàm phán, còn cộng đồng DN thì đứng ngoài, người dân thì thờ ơ và bộ máy công chức (đặc biệt ở các cấp cơ sở) thì vô cảm...
Một điều tra gần đây cho thấy có đến 76% doanh nghiệp không biết gì về cộng đồng kinh tế Asean (AEC) và 60% được hỏi cho rằng AEC không ảnh hưởng đến mình. Những đạo luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư của Việt Nam là tiến bộ, đã tiệm cận được với chuẩn mực chung của thế giới. Nhưng điều đáng buồn là chúng ta chưa có con người hội nhập.
Quy định của pháp luật có tiến bộ đến đâu cũng vẫn có thể bị vô hiệu hóa bởi hàng tá những “lệ làng”, những thói quen, sự quan liêu, cửa quyền, sự thờ ơ và vô cảm.
Một cái lắc đầu của ông chủ tịch tỉnh, một cái xua tay của ông giám đốc, thậm chí sự chậm trễ vòi vĩnh của một anh công chức hành chính quèn thôi cũng có thể tước đoạt đi cơ hội làm ăn của doanh nghiệp, người dân”- ĐB này ví von.
Có thể nói, sức nóng của TPP đang phả vào gáy chúng ta. Nếu không nhận biết định lượng, cụ thể về các cơ hội và thách thức, không tận dụng được cơ hội để cải thiện sức khỏe bên trong của mình, thì nền kinh tế Việt Nam (là nền kinh tế nhỏ và yếu nhất trong 12 nền kinh tế TPP) sẽ hoàn toàn bị “đánh chiếm” bởi các đội quân viễn chinh kinh tế hùng hậu của nước ngoài, và cuối cùng chúng ta vẫn chỉ là người làm thuê trên mảnh đất màu mỡ của mình
Đề nghị bổ sung bài học thứ 6 về trách nhiệm
"Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Quốc hội đã kỳ vọng vào một thế hệ bộ trưởng mới. Với kết quả thể hiện các thành viên Chính phủ rất rõ rệt như tư duy đổi mới ở Bộ Kế hoạch Đầu tư, cải cánh hành chính ở ngành thuế , chỉ đạo phá các vụ án đặc biệt nghiêm trọng ở Bộ Công an hay tạo ra động lực phát triển đô thị, khôi phục thị trường BĐS gắn với nhà ở xã hội ở Bộ Xây dựng. Nhiều lĩnh vực vực tạo được dấu ấn mạnh được đông đảo cử tri quan tâm và khen ngợi như ngoại giao Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới và bảo vệ Tổ quốc; ngành ngân hàng bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu ngân hàng thương mại; ngành giao thông vận tải vượt qua các trở lực, tạo nên bước phát triển ngoạn mục hạ tầng giao thông, có chuyển biến lớn về quản lý ngành, tạo bước đột phá dám chấm nhận trách thức... Đó là những kết quả không thể phủ nhận và không thể thoái thức" - ĐB Lê Nam (Thanh Hoá) biểu dương nhiều vị "tư lệnh" ngành.
ĐB Lê Nam (Thanh Hoá) |
Tuy nhiên, ĐB này cũng cho rằng bên cạnh đó xã hội còn quá nhiều bức xúc, quá nhiều yếu kém. "Có nhận xét thiếu thiệu chí rằng Việt Nam là đất nước không chịu phát triển. Nếu dám tự chỉ trích thì chúng ta cho rằng nhận xét ấy cũng có lý của họ. Nền kinh tế có cái gốc là sản xuất không ngừng tụt hậu, đời sống người nông dân vẫn luôn khốn khó, ngư dân một năm rưỡi rồi vẫn chưa xong tàu, môi trường sống ngày càng tồi tệ, chống tham nhũng cả chuc năm rồi vẫn chưa vượt qua thời kỳ cầm cự. Những bức xúc trên có nguyên nhân khách quan, song cũng có những nguyên nhân rất lớn thuộc về trách nhiệm các bộ trưởng, những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và cả trách nhiệm người đứng đầu Đảng, Nhà nước.
Nhiệm kỳ này, chúng ta chứng kiến nước mắt của đồng chí Tổng bí thư rơi vào lịch sử. Báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ những vấn đề trên, vẫn diễn đạt với văn phong truyền thống, chưa làm rõ, biểu dương ngành, địa phương làm tốt, chỉ thật rõ những ngành, lĩnh vực địa phương yếu kém, gắm với trách nhiệm người đứng đầu. Chính phủ tổng kết 5 bài học kinh nghiệm, tôi đề nghị bổ sung bài học thứ 6, đó là bài học về trách nhiệm, bản lĩnh bộ trưởng, các thành viên Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương"
Sau 26 phát biểu của các ĐB trong sáng nay, chiều cùng ngày và sáng 3/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế năm 2015 và kế hoạch phát triển năm 2016.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.