(HNM) - Với mong muốn mở rộng không gian cây xanh xung quanh con người, nhóm Green Plus gồm 5 thành viên: Phạm Ngọc Thắng, Lê Thanh Thùy, Hồ Văn Hòa, Phạm Ngọc Tú và Nguyễn Việt Anh (đều là sinh viên khóa 5, ĐH FPT) đã cho ra đời sản phẩm WallTop Forest -
Thực tế cho thấy nhiều công ty đã đưa cây xanh vào văn phòng để tạo cảnh quan và môi trường làm việc gần với thiên nhiên cho nhân viên; nhu cầu cây xanh trong thành phố rất lớn song không gian ngày càng hạn hẹp, nên nhóm đã nung nấu ý tưởng trồng cây trong thành phố. "Nhưng làm thế nào để cây không cần chăm sóc, đỡ tốn công sức, thời gian và tiền bạc của người sử dụng thì lại là một câu hỏi khiến nhóm đau đầu. Qua quá trình tìm hiểu, nhóm đã nghiên cứu được rất nhiều công nghệ trồng cây hiện đại, qua đó tích hợp vào WallTop Forest để tạo thành sản phẩm như hiện nay" - Trưởng nhóm Phạm Ngọc Thắng cho biết.
Là một sản phẩm đòi hỏi người sản xuất cần có sự am hiểu nhiều yếu tố: sinh học, công nghệ thông tin, phong thủy… nên cả nhóm phải mầy mò học hỏi và tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia về nông nghiệp. Khác với việc trồng cây thông thường, phải chăm sóc trực tiếp hàng ngày như tưới nước, ngắt lá, tỉa cành… thì khu bảo tồn thiên nhiên mini này không tốn công chăm sóc đến vậy. Nó không làm bẩn môi trường xung quanh do được sản xuất hoàn toàn từ chất liệu nhựa dẻo tái chế được và điều khiển tự động hoàn toàn. Người sử dụng tương tác và theo dõi tình trạng các loài cây trồng thông qua các thiết bị di động như iPhone, Android hoặc máy tính; họ có thể tưới cây, tạo gió, tạo độ ẩm, điều chỉnh ánh sáng… ở bất kỳ đâu và bất cứ lúc nào. Chính vì thế, WallTop Forest phù hợp với nhiều không gian, đặc biệt người sử dụng còn có thể đưa ra các mẫu thiết kế riêng cho rừng cây của mình nhằm thỏa mãn ý tưởng nghệ thuật hay các yếu tố phong thủy.
WallTop Forest cung cấp giao diện thân thiện, giúp những người không có kiến thức về công nghệ và chăm sóc cây trồng cũng có thể sử dụng. Trưởng nhóm Phạm Ngọc Thắng cho biết: "Cảm biến gắn dưới đất và trong vườn cây sẽ thông báo thông tin về độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ theo thời gian thực tại vườn cây. Hệ thống sử dụng mạch Arduino làm trung tâm điều khiển tại vườn cây và kết nối với máy tính/di động của người dùng thông qua internet (Wifi/3G)".
Ý tưởng "Khu bảo tồn thiên nhiên mini" này đã được đưa vào ứng dụng trong thực tế, có sản phẩm bày bán trên thị trường. Phạm Ngọc Thắng cho biết, những khách hàng đã sử dụng sản phẩm có phản hồi khá tốt về chất lượng cũng như dịch vụ chăm sóc cây sau đó.
Do sản phẩm được làm bằng nhựa, chi phí sản xuất nhựa khá đắt đỏ nên hiện nhóm đang gặp khó khăn về vốn. Nhóm mong muốn có thể tìm được nhà đầu tư phù hợp với dự án để giúp đẩy mạnh sản phẩm ra thị trường. Thời gian tới nhóm tiếp tục nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, nâng cấp tính năng để làm hài lòng người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.