Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đặc sắc hát Trống quân ở Khánh Hà

Bài, ảnh: Hoàng Sơn| 19/01/2014 06:32

(HNM) - Hát Trống quân là loại hình văn nghệ dân gian mang đậm tính cộng đồng làng xã của Đồng bằng Bắc bộ.

Tuy nhiên, hát Trống quân đã bị mai một do sự phát triển của các loại hình văn hóa nghệ thuật khác, do chiến tranh... Để bảo tồn loại hình nghệ thuật đặc sắc này, các nghệ nhân dân gian xã Khánh Hà (Thường Tín) đã và đang dày công sưu tầm, tập luyện và truyền dạy cho các thế hệ con cháu.

Các thành viên CLB hát Trống quân đang tập luyện cho các cháu thôn Đan Nhiễm.


Chứng kiến không khí say sưa tập luyện của các thành viên CLB Hát Trống quân Khánh Hà, vào những ngày giáp Tết mới thấy sự đam mê, yêu văn nghệ của người dân nơi đây. Nhưng câu luyến láy da diết của các "nghệ sĩ chân đất" cất lên thật đằm thắm, cuốn hút lòng người. Không chút ngại ngùng, hai "ca nương nhí" Trương Thị Nhung và Lê Thị Mỹ Ân (12 tuổi) đã ca tặng chúng tôi một làn điệu: "Tết đến thời em mà đi chơi a xuân/Đến đây mở hội Trống quân mà em a vào/Em vào chào trống chào dây/Em chào các cụ ngồi đây ăn trầu…".

Những người sống chết với nghiệp hát Trống quân vẫn tương truyền câu chuyện nói về nguồn gốc điệu hát: "Thuở xưa, Lê Lợi cầm quân đánh giặc, khi nghỉ chân ở làng ven sông Khánh Vân, Đỗ Hà, Đan Nhiễm, vừa hay có đám mây ngũ sắc từ xa kéo tới che rợp cả đoàn quân. Hôm sau đoàn quân vào trận và giành chiến thắng. Cho đó là điềm trời trợ giúp, Lê Lợi đã phong làng Khánh Vân là "Mây lành" và Đỗ Hà, Đan Nhiễm là dấu tích vua ban. Để tưởng nhớ công ơn của nhà Vua, dân làng mở hội khao quân và hát Trống quân có từ ngày đó". Nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy, 76 tuổi, người được coi có thâm niên nhất, cho biết Hát Trống quân có rất nhiều làn điệu như cò lả, hát giao duyên, hát đối, hát họa hoa, hát họa trời, hát họa đất, hát gọi… Nghệ nhân Nguyễn Văn Bôn nhớ lại: "Hồi trẻ cứ đến khi trăng đầu tháng nhô khỏi lũy tre làng, người dân sống dọc hai bờ sông Nhuệ và sông Tô Lịch, chủ yếu là trai thanh gái lịch rủ nhau ra bờ sông hát đối đáp Trống quân". Thuở ấy, nam thanh nữ tú có thể hát qua đôi bờ hay nam dưới thuyền, nữ trên bờ hoặc cũng có thể hát trên sân đình vào dịp hội làng. "Cũng từ hội hát Trống quân đã bắc nhịp cầu cho nhiều bạn hát nên vợ, thành chồng" - ông Bôn cho hay. Một điểm đặc biệt là hiện nay, theo Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hà Đinh Thị Loan, ngoài ý nghĩa bảo lưu vốn cổ xưa của điệu hát, các nghệ nhân ngày nay còn sáng tác lời ca mới để truyền tải chủ trương, chính sách và những đổi thay trên quê hương mình, như: "Nông thôn thời sánh với đô thành/Xây dựng nông thôn mới mọi người ta góp công/Góp công, góp đất ta làm đường/Thuộc từng tiêu chí để ta thực hành/Dồn điền đổi thửa nay Đảng đã đề ra/Chín mười ô nhỏ, này dồn thành một hai ô…".

Ông Nguyễn Văn Tươi, Chủ nhiệm CLB hát Trống quân xã Khánh Hà cho biết, thời kỳ chiến tranh, loại hình nghệ thuật này bị gián đoạn và mai một nhiều. Đến năm 2005, ông Tươi và các cụ cao tuổi trong xã thành lập CLB để gây dựng phong trào văn hóa văn nghệ và truyền dạy nghệ thuật hát Trống quân cho con cháu. Người có công đầu tiên trong việc lưu giữ những tư liệu về nghệ thuật dân gian này là nghệ nhân Tô Thị Tốn (đã mất). Cụ Tốn đã sưu tầm được 36 làn điệu hát Trống quân lời cổ. Từ đây, các thành viên CLB biên soạn, sáng tác lời mới phục vụ công tác tập luyện và truyền dạy. "Bây giờ, CLB hát Trống quân xã Khánh Hà với nòng cốt là các ông bà Nguyễn Thị Vẫy, Nguyễn Văn Bôn, Nguyễn Thị Ly, Nguyễn Thị Ngừ, Nguyễn Thị Điệp… đã và đang tích cực tham gia truyền dạy cho lớp trẻ"- ông Tươi cho biết. Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm CLB mở 1 lớp tập hát Trống quân cho 20 cháu từ 9 đến 15 tuổi. Qua gần chục năm, đã có khoảng 100 người dân trong 7 thôn được truyền dạy hát Trống quân, trong đó có 45 thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt trong đội văn nghệ và tham gia biểu diễn dịp hội làng, lễ tết... Đặc biệt, CLB vinh dự có 6 ông, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và hiện 5 người còn sống là các nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy, Nguyễn Văn Bôn, Lê Văn Trường, Nguyễn Thị Lơ và Nguyễn Thị Điệp. Nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy nói rằng: "Lớp già như chúng tôi yêu văn nghệ, yêu hát Trống quân nhưng nay tuổi đã cao không biết về với ông bà, tiên tổ lúc nào, nên giờ phải trông mong vào thế hệ trẻ". Bà Vẫy tin tưởng lớp trẻ yêu hát Trống quân như các cháu Nhung, Tính, Ân… sẽ là những người giữ lửa cho làn điệu quê hương, để góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc hát Trống quân ở Khánh Hà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.