(HNMCT) - Lễ hội thành Tuyên; Lễ hội rước Mẫu; Lễ hội Nhảy lửa; Lễ hội Lồng Tông... là các lễ hội đặc sắc ở Tuyên Quang.
Lễ hội thành Tuyên
Được tổ chức lần đầu tiên năm 2004, Lễ hội thành Tuyên đã trở thành niềm tự hào của người Tuyên Quang. Lễ hội được tổ chức vào dịp Trung thu hằng năm, với điểm nhấn là màn rước đèn lồng khổng lồ mang hình các nhân vật dân gian hay các con vật qua các tuyến phố. Màn rước khiến cả thành phố Tuyên Quang tưng bừng không khí lễ hội, mang lại niềm vui cho cả trẻ con và người lớn. Lễ hội thành Tuyên đã được sách “Kỷ lục Guiness Việt Nam” xác nhận là “Lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam”.
Lễ hội rước Mẫu
Lễ hội rước Mẫu là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân thành phố Tuyên Quang, diễn ra từ ngày 10 đến 16 tháng Hai (âm lịch) hằng năm. Từ sớm ngày 11 tháng Hai, người dân đã tập trung tại đền Ỷ La (phường Ỷ La) để rước Phương Dung công chúa (người chị) về đền Hạ (phường Tân Quang). Ngày 12 tháng Hai là lễ rước Ngọc Lân công chúa (người em) từ đền Thượng (xã Tràng Đà) về đền Hạ để hợp tế. Nét đặc sắc nhất của lễ hội là tục chui qua kiệu Mẫu với niềm tin được Mẫu ban cho sức khỏe, hạnh phúc. Ngày 16 tháng Hai, khi lễ hội kết thúc, người dân làm lễ hoàn cung, đưa các Mẫu trở về đền thờ riêng. Năm 2017, Lễ hội đền Thượng, đền Hạ, đền Ỷ La đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Nhảy lửa
Nhảy lửa là lễ hội truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Pà Thẻn (xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình). Theo quan niệm của người Pà Thẻn, lửa là vị thần linh thiêng, mang lại sự ấm áp, no đủ cho người dân. Lễ hội Nhảy lửa thường được tổ chức vào dịp đầu năm, trong thời tiết lạnh giá, với niềm mong cầu về sức khỏe để xua đuổi tà ma, bệnh tật, có những vụ mùa bội thu.
Lễ hội Lồng Tông
Lễ hội Lồng Tông (hay Lễ hội xuống đồng) là lễ hội lớn nhất của đồng bào Tày ở Tuyên Quang, diễn ra từ mồng 4 đến 15 tháng Giêng hằng năm tại các huyện. Đây là lễ hội có lịch sử lâu đời, phản ánh ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và sự biết ơn đối với các vị thánh thần của người dân. Kết thúc lễ hội là lễ Hạ điền, người dân xuống đồng cày với mong ước về mùa màng thuận lợi trong năm mới. Lễ hội Lồng Tông của người Tày ở Tuyên Quang đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.