(HNMO) - Chiều 5-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.
Bộ cũng đã có kế hoạch ngăn chặn việc phát tán, lan truyền thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội. Đồng thời tạo cơ chế, chính sách cho việc phát triển hệ sinh thái số Việt Nam, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020, thuê bao mạng xã hội của Việt Nam chiếm 50% tổng số thuê bao mạng xã hội...
Cũng theo Bộ trưởng, lĩnh vực thông tin, tuyên truyền phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo nên khát vọng về một dân tộc hùng cường. Đây là triết lý, là tuyên ngôn của báo chí.
Do vậy, Cục Báo chí cần sử dụng công cụ để tiến hành đo đạc, thống kê thông qua hệ thống lưu chiểu điện tử, có các đánh giá một cách khoa học, chính xác từ đó có kế hoạch phù hợp nhằm phát triển lĩnh vực thông tin, tuyên truyền một cách lành mạnh, khơi dậy nguồn lực của đất nước.
Thời gian tới, Bộ TT-TT phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, siết chặt kỷ luật hành chính, liêm chính, hành động nhanh, phục vụ người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phải tuân thủ luật, chú trọng tính khả thi, ưu tiên tạo thuận lợi cho bên thụ hưởng.
Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, cần có bộ phận chuyên trách nghiên cứu về pháp luật để kịp thời tham vấn cho cơ quan quản lý một cách chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm giấy phép kinh doanh gây cản trở cho doanh nghiệp phát triển. Hằng năm, các lĩnh vực của Bộ sẽ tổ chức tổng kết riêng và khen thưởng cho các doanh nghiệp thuộc nhà nước cũng như tư nhân.
Bộ trưởng TT-TT yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau: Kiến nghị đưa mục chi cho lĩnh vực công nghệ thông tin vào dự toán ngân sách của Chính phủ; ưu tiên đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử.
Đề xuất với Chính phủ về chính sách thu phí dành cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam làm quỹ nghiên cứu phát triển lĩnh vực này (dự kiến khoảng 2% đối với các doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng).
Bộ sẽ tập trung xây dựng Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và trước mắt là xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo 4.0 tại Việt Nam; Phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam góp phần tăng năng suất lao động trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời cần tập trung nguồn lực để phát triển lĩnh vực an toàn, an ninh mạng với mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về an ninh mạng.
Bộ TT-TT cũng sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để tìm giải pháp về thanh toán cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số. Quan điểm của Bộ là tài khoản viễn thông có thể dùng làm vật thanh toán các loại hàng hoá khác với giá trị dưới 2 triệu đồng.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cần tập trung nâng cao các chỉ số xếp hạng quốc gia. Theo thống kê trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông, Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 100/193 quốc gia. Trong đó, nhiều lĩnh vực như viễn thông, an toàn thông tin, nhân lực công nghệ thông tin-truyền thông đều ở mức thấp. Do đó, cần có kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam đứng ở vị trí từ 30 đến 50 của thế giới...
Tại cuộc họp chiều 5-11, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề ra mục tiêu phát triển của ngành TT-TT đến năm 2020: - Lĩnh vực Bưu chính: Doanh thu đạt mục tiêu tăng trưởng từ 2-2,5 lần. Một số doanh nghiệp lớn tập trung đầu tư cho logistic. Đặt mục tiêu xếp hạng 40 trong bảng xếp hạng công nghệ thông tin-truyền thông thế giới. - Lĩnh vực Viễn thông: Xây dựng mạng 5G cho mục tiêu phát triển IoT; Đạt thứ hạng 50 trong bảng xếp hạng công nghệ thông tin-truyền thông thế giới. - Đạt thứ hạng 50 về Chính phủ điện tử trong bảng xếp hạng công nghệ thông tin - truyền thông thế giới. - An ninh mạng: Đạt thứ hạng 50 trong bảng xếp hạng công nghệ thông tin - truyền thông thế giới. - Công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông: Doanh thu từ lĩnh vực nội dung số phải đạt từ 15-20% tổng doanh thu ngành viễn thông; phấn đấu sản xuất 20% thiết bị nội địa cho thị trường IoT. - Hệ sinh thái số: Đạt mục tiêu 50% số lượng thuê bao sử dụng mạng xã hội Việt Nam. - Thông tin, tuyên truyền: Cơ bản hoàn thành Đề án Quy hoạch báo chí; đảm bảo đời sống người làm báo; Báo chí Việt Nam phải đạt được mục tiêu phản ánh dòng chảy chính của xã hội, tạo đồng thuận, niềm tin của nhân dân và tạo nên khát vọng về một dân tộc hùng cường. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.