(HNM) - Dự thảo Luật Dân số có nêu vấn đề cho phép các cặp vợ chồng được quyền quyết định số con, một vấn đề đang gây tranh luận. Dù đang trong quá trình lấy ý kiến nhưng Bộ Y tế lo ngại rằng, quy mô dân số có thể tăng nhanh nếu người dân sinh con theo ý muốn.
Trong suốt 50 năm qua, Việt Nam tập trung xử lý vấn đề về quy mô dân số do dân số tăng quá nhanh. Kết quả được cho là thành công khi đến năm 2005-2006, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế, sớm hơn 10 năm so với kế hoạch góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), từ năm 2006 đến nay, tổng tỷ suất sinh ở nước ta luôn dưới mức sinh thay thế, trung bình dưới 2,1 con/bà mẹ. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khi nhóm dân số dưới 15 tuổi giảm (từ 42% vào năm 1979 xuống 23,5% năm 2014), tuổi thọ tăng (nhóm trên 65 tuổi tăng từ 5% vào năm 1979 lên 7,1% năm 2014). Tuy nhiên, theo đánh giá, Việt Nam là một trong số ít nước có tốc độ già hóa dân số nhanh. Trước bối cảnh này, đã đến lúc Việt Nam cần điều chỉnh chính sách dân số, đặc biệt là về số con của mỗi cặp vợ chồng.
Theo quan điểm của Bộ Y tế về việc giữ nguyên quy định mỗi cặp vợ chồng được sinh 1 hoặc 2 con như hiện nay là phù hợp với sự phát triển của xã hội Việt Nam hiện tại. |
GS.TS Nguyễn Đình Cử, giảng viên cao cấp thuộc Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, khi tham mưu xây dựng dự thảo Luật Dân số, ông băn khoăn trước 2 luồng ý kiến trái chiều. Một là giữ nguyên như Pháp lệnh Dân số 2008 (Điều 10, Mục 4: Sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định) hoặc trao quyền quyết định cho các cặp vợ chồng như Pháp lệnh Dân số 2003 (Điều 10: Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định số con). "Tôi nghiêng về phương án 2 vì quy định này phù hợp với Hiến pháp 2013, đề cao quyền con người, và quan trọng là trong hơn 10 năm qua Việt Nam đạt mức sinh thấp. Thế hệ trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay có năm sinh từ khoảng 1975 trở lại, họ là những người sinh ra sau chiến tranh, có nhận thức tốt hơn thế hệ trước, do đó, quyền quyết định số lượng con cần được trao cho họ. Mặt khác, mức sinh thấp mà chúng ta đang đạt được là bền vững. Nếu không nới lỏng chính sách sớm thì cùng với sự phát triển ngày càng cao như hiện nay, mức sinh của chúng ta sẽ ngày càng thấp. Và nếu thấp hơn mức sinh thay thế thì nguy cơ Việt Nam sẽ đối mặt với hội chứng 4-2-1 giống như Trung Quốc. Hội chứng này nghĩa là cứ 4 người (ông bà nội, ngoại) mới có 2 con (1 cặp vợ chồng) và 1 cháu. Điều này sẽ phản ánh tỷ lệ già hóa dân số ở mức cao, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội", GS.TS Nguyễn Đình Cử phân tích.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng, khi đưa ra lấy ý kiến về đề xuất trao quyền sinh con cho các cặp vợ chồng trong dự thảo Luật Dân số, phía ủng hộ lý giải rằng, nhiều thách thức đang đặt ra khi mức sinh còn khác biệt giữa các vùng và việc giảm sinh tại nhiều vùng chưa đạt mức sinh thay thế. Cụ thể, mức sinh ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc ở mức cao (2,56 con/một cặp vợ chồng), Đồng bằng sông Hồng là 2,3 con/một cặp vợ chồng; trong khi đó, chỉ số này ở Đông Nam Bộ là 1,56; Đồng bằng sông Cửu Long là 1,84 (số liệu năm 2014). Bài học từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, việc nâng mức sinh từ thấp lên cao khó hơn "kéo" mức sinh từ cao xuống thấp. Thực tế của các nước này cho thấy khoản đầu tư để nâng mức sinh lên cao tốn kém hơn rất nhiều so với đầu tư cho việc hạ mức sinh xuống. Do đó, các nước này đang phải đối phó với nhiều thách thức như già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, thiếu lao động trầm trọng nên phải sử dụng lao động ngoài nước… Để hạ mức sinh cao (5-6 con) xuống mức sinh thay thế (khoảng 2,1 con), một số nước chỉ mất 10 năm. Nhưng để tăng từ 1-1,5 con, với nhiều nỗ lực trong vài thập kỷ, các nước này chỉ đạt mức 1,6-1,7 con/phụ nữ.
Mỗi gia đình vẫn chỉ nên sinh từ 1 đến 2 con!
Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, bà Ritsu Nacken, quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam không cần phải tiếp tục chính sách giảm mức sinh hay kiểm soát mức sinh nữa. Chính sách kiểm soát này có thể gây tác động ngược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia; mỗi cá nhân và từng cặp vợ chồng có quyền quyết định tự do và có trách nhiệm về số con và họ có đủ thông tin, phương tiện để thực hiện quyền này.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Văn Chiến, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), nếu tiếp tục duy trì mức sinh thấp hợp lý thì vào năm 2020, dân số Việt Nam vào khoảng 97-98 triệu người. Quy mô dân số này, trong bối cảnh diện tích chỉ ở mức hơn 330.000km2 đã tạo ra sự chen chúc, quá tải và sự thể sẽ càng phức tạp hơn khi quy mô dân số tăng nhanh do thực hiện quyền sinh con theo ý muốn. Hơn nữa, chúng ta cũng khó tập trung nguồn vốn để thực hiện toàn diện công tác dân số theo mục tiêu trên. Ngoài ra, với diễn biến của biến đổi khí hậu, mực nước biển ngày càng dâng cao, diện tích đất ở cũng như đất sản xuất có thể bị thu hẹp theo các kịch bản mà Bộ TN&MT đã dự báo, quy mô dân số tăng nhanh là điều cực kỳ nguy hiểm.
Quan điểm của Bộ Y tế vẫn là giữ nguyên quy định mỗi cặp vợ chồng được sinh 1 hoặc 2 con. Lý giải về quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, việc thay đổi quy định này cần phải có thêm thời gian để theo dõi. Ít nhất là phải 5 năm nữa, nếu mức sinh thấp tiếp tục được duy trì hoặc ở mức thấp hơn thì mới có thể nới lỏng quy định này. Mức sinh hiện nay có sự bù trừ giữa các vùng, miền, giữa nơi có mức sinh cao và nơi có mức sinh thấp. Vì vậy, nếu nới lỏng quy định, cho phép mỗi cặp vợ chồng được quyền quyết định số con ngay trong thời điểm này thì có thể dẫn tới tình trạng tăng dân số không như mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.