(HNM) - Năm 2013, các hoạt động KH&CN để lại dấu ấn đáng ghi nhận với những chuyển dịch lớn về chính sách và nhiều ứng dụng đã đi vào cuộc sống.
Khai thông rào cản
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhận định, điểm nổi bật nhất trong năm 2013 đối với ngành là Luật KH&CN sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Năm văn bản hướng dẫn chi tiết luật cũng đã được hoàn thành và trình Chính phủ đúng tiến độ. Cũng trong năm 2013, Bộ KH&CN đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT hoàn thiện cơ bản hành lang pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của 3 chương trình quốc gia, gồm Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020.
“Vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi” là một trong ba sản phẩm quốc gia được Bộ KH&CN phê duyệt đề án. Ảnh: Trung Kiên |
Những rào cản về cơ chế, chính sách tài chính, vốn gây trở ngại lớn cho hoạt động KH&CN, sắp tới sẽ được khai thông đáng kể nhờ nỗ lực phối hợp của Bộ KH&CN cùng Bộ Tài chính trong việc ban hành các văn bản quan trọng. Đó là thông tư liên tịch hướng dẫn về định mức tiền lương, tiền công, tiền chi hoạt động bộ máy thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức KH&CN công lập; thông tư liên tịch hướng dẫn sử dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật để xác định các yếu tố đầu vào cấu thành dự toán nhiệm vụ KH&CN.
Đến nay, về cơ bản, hành lang pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của ba chương trình quốc gia đã được hoàn thiện. Bộ KH&CN đã phê duyệt đề án khung của ba sản phẩm quốc gia là "Vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi", "Thiết bị nâng hạ có sức nâng lớn" và "An ninh mạng". Nhiều đề án khung cho những sản phẩm quốc gia khác cũng đang được xem xét như "Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao", "Sản phẩm nấm ăn và nấm dược", "Giàn khoan khí dầu khí di động", "Vắc xin phòng bệnh cho người"...
Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN
Xác định lĩnh vực công nghiệp có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế, thời gian qua, hoạt động KH&CN trong lĩnh vực này ngày càng được quan tâm. Năm 2013, giàn khoan 90m nước đầu tiên tại Việt Nam (giàn khoan Tam Đảo 3) đã được chế tạo, hoàn thành vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch ban đầu, chất lượng được đăng kiểm quốc tế công nhận. Sản phẩm từ công trình "Chế tạo thiết bị gia công lạnh phục vụ công nghệ xử lý thép sau khi tôi" đã được sử dụng để thay thế hàng nhập ngoại tại Bộ Quốc phòng. Các nhà khoa học Việt Nam cũng đã nghiên cứu và chế tạo được thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời với công suất 100-200 lít/ngày đêm, áp dụng hiệu quả cho việc cấp nước sinh hoạt phục vụ yêu cầu dân sinh và quốc phòng trên các hải đảo. Công nghệ bê tông đầm lăn đã được ứng dụng, góp phần hoàn thành công trình Thủy điện Sơn La có công suất lớn nhất Đông Nam Á (2.400 MW).
Trong lĩnh vực nông nghiệp, không thể không kể đến một số thành tựu khoa học có ý nghĩa kinh tế - xã hội, như công trình "Giải mã genome một số giống lúa bản địa của Việt Nam" cung cấp nguồn dữ liệu quý giá để phục vụ công tác lai tạo giống, công trình nghiên cứu vắc xin cúm A/H5N1 cho gia cầm bằng chủng NIBRG 14 tái tổ hợp... Sau hơn 10 năm triển khai hoạt động KH&CN về quỹ gen, công tác điều tra, thu thập và nhập nội nguồn gen thực vật và sinh vật đã được tiến hành với hàng nghìn nguồn gen cây trồng nông nghiệp, hàng trăm loài cây lâm nghiệp, dược liệu, hàng chục giống vật nuôi, thủy sản... Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, Bộ KH&CN đã phối hợp với các ban, ngành có liên quan phê duyệt 278 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi, được triển khai ở 60 tỉnh, thành phố. Các dự án này đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên địa bàn thực hiện dự án, tạo thêm nhiều sản phẩm mới, việc làm mới, từng bước hình thành thị trường công nghệ, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào cuộc sống.
Cần thêm cơ chế phù hợp
Theo nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Quân, hiện nay, nhận thức của xã hội, đặc biệt là của các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN còn chưa tương xứng với vai trò, vị trí của ngành. Sự hợp tác, phối hợp giữa các bộ, cơ quan quản lý còn chưa đồng bộ, hiệu quả, do vậy các vấn đề mà Bộ KH&CN cần tham vấn chưa được quan tâm đúng mức và hợp lý. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho KH&CN còn hạn hẹp, hiệu quả sử dụng chưa cao. Các quy định pháp luật về ngân sách, tài chính chưa hợp lý, dẫn tới việc phân bổ kinh phí còn dàn trải, chưa tập trung cho các nhiệm vụ trọng điểm có tính đột phá, chưa có cơ chế phù hợp để huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN. Lãnh đạo Bộ KH&CN lưu ý một tình trạng khá phổ biến là nhiều tổ chức KH&CN chuyển đổi sang hình thức tổ chức nghiên cứu cơ bản, chiến lược chính sách (để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, chỉ tự chủ một phần), dẫn đến việc hoạt động nghiên cứu lâm cảnh trì trệ nhất định, việc hình thành doanh nghiệp KH&CN chưa đạt yêu cầu.
Để khắc phục tình trạng nói trên, tạo thuận lợi cho ngành bước vào năm đầu tiên thực hiện Luật KH&CN, thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nhiều cơ chế, chính sách về KH&CN còn cần được bổ sung, đổi mới, trong đó, điểm nhấn là cơ chế tài chính và chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ KH&CN...
Tính đến tháng 11-2013, Việt Nam đã công bố 1.776 bài báo khoa học trên các tập san ISI, tăng 9,4% so với năm 2012, xếp vị trí thứ tư trong khu vực Đông Nam Á, thứ 57 thế giới. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.