Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã thực sự quyết liệt trong xử lý?

Kim Vũ| 05/07/2018 07:05

(HNM) - Những ống khói xả khí thải gây ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất gỗ dán, tái chế phế liệu, đúc phôi thép, đốt lốp cao su... tại xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) đang gây bức xúc cho người dân nơi đây.

Ô nhiễm trong dân cư

Theo kết luận ngày 11-5-2018 của UBND huyện Đông Anh, tại xã Việt Hùng có 23 cơ sở sản xuất các ngành nghề bóc ép gỗ, tái chế sắt thép, nấu lốp cao su... gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai, trật tự xây dựng.

Điển hình là 3 doanh nghiệp: Chi nhánh Công ty CP Đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy Bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh; Công ty CP Dịch vụ và sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Đông Anh; Công ty CP Sản xuất và kinh doanh vật tư thiết bị VVMI được thành phố cho thuê đất, nhưng tự ý tách đất cho 14 cơ sở sản xuất, xây nhà xưởng không giấy phép xây dựng, sai mục đích, không có hồ sơ bảo đảm môi trường. 6 cơ sở khác thuê lại đất nông nghiệp của UBND xã Việt Hùng đều thiếu hồ sơ pháp lý.

Một cơ sở sản xuất gỗ dán, ván ép tại xã Việt Hùng gây ô nhiễm.


Từ năm 2016 trở lại đây, những làn khói đen kịt xả ra từ những họng khói của các cơ sở nấu lốp cao su, tái chế sắt thép, bụi từ bóc ép gỗ... không ngừng phát tán khắp nơi, len vào ngõ ngách từng gia đình. Thời gian hoạt động của các cơ sở này từ 19h hôm trước đến 5h sáng hôm sau.

Em Nguyễn Thị Nga, sinh sống tại Đức Nội, xã Việt Hùng cho biết, những gia đình ở mặt đường chính luôn phải hứng chịu ô nhiễm nhiều nhất. Nhà nào cũng đóng cửa suốt ngày đêm bởi chỉ cần hé ra là khói bụi bám lên đồ đạc. Bố mẹ em từ 2 năm trở lại đây trong trạng thái tức ngực, khó thở. Nhiều em nhỏ trong vùng có bệnh về hô hấp.

Ông Lê Đình Vượng, thôn Trung, xã Việt Hùng cho biết, người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị nhưng hơn 2 năm nay tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Ông Vượng bày tỏ lo lắng về việc khi có đoàn kiểm tra của lực lượng chức năng thì các cơ sở sản xuất này tạm ngừng xả khói, bụi ra môi trường. Thế nhưng, đoàn kiểm tra đi khỏi thì những họng khói lại tiếp tục hoạt động.

Cần biện pháp mạnh

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) cho biết, cuối năm 2016, người dân đã phản ánh tình trạng ô nhiễm không khí, môi trường sống nơi đây. Tháng 5-2017, UBND xã Việt Hùng thành lập Đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất trên địa bàn xã. Sau khi có kết luận thanh tra của UBND huyện, ngày 22-6 và 27-6-2018, UBND xã Việt Hùng đã ban hành 5 quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường đối với 5 cơ sở sản xuất. Theo ông Sáng, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục thanh tra và tạm dừng hoạt động các cơ sở còn lại.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, sẽ kiên quyết xử lý những sai phạm diễn ra tại xã Việt Hùng. Tại Công văn số 839/UBND-TNMT của UBND huyện Đông Anh nêu rõ: "Để xảy ra tình trạng nêu trên mà UBND xã chưa có biện pháp xử lý, giải quyết dứt điểm, trách nhiệm trước hết thuộc về UBND xã Việt Hùng".

UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND xã phải tổ chức lập hồ sơ xử lý và giải tỏa các nhà xưởng sản xuất, công trình vi phạm, phải hoàn thành xong trước ngày 30-6-2018. Với 6 cơ sở thuê của UBND xã, phải ra quyết định hủy các hợp đồng thuê thầu đất, giải tỏa trước ngày 20-7-2018.

"Nếu đồng chí Chủ tịch UBND xã Việt Hùng không thực hiện các biện pháp xử lý, giải tỏa dứt điểm các công trình vi phạm... thì UBND huyện sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân đồng chí Chủ tịch UBND xã Việt Hùng, các tập thể, cá nhân có liên quan", văn bản nêu.

Yêu cầu của UBND huyện Đông Anh đã rõ, nhưng thực tế sau ngày 30-6-2018, người dân cho biết vẫn còn tình trạng xả khói vào ban đêm, một số cơ sở sản xuất vẫn hoạt động. Ông Nguyễn Lê Hiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh cho biết, lực lượng chức năng đã gặp không ít khó khăn.

Cụ thể, theo quy định, việc thanh, kiểm tra phải thông báo trước ít nhất một tuần nên các cơ sở sản xuất đã kịp thời xóa dấu vết. Trong quá trình làm việc, Đoàn kiểm tra nhiều lần đôn đốc, mời giám đốc công ty cùng làm việc nhưng không nhận được sự hợp tác, thể hiện sự xem thường pháp luật.

Ngày 2-7-2018, UBND huyện đã có Báo cáo số 253/BC-UBND đề nghị UBND thành phố thu hồi đất đối với 3 công ty nói trên để chấm dứt các sai phạm kéo dài tại xã Việt Hùng. Có thể nói, quan điểm của UBND huyện Đông Anh rất quyết liệt trong xử lý sai phạm.

Tuy nhiên, sự việc đã đặt ra nhiều câu hỏi về công tác quản lý của chính quyền xã đã thực sự hiệu quả, quyết liệt hay chưa khi mà hàng chục cơ sở sản xuất có sai phạm nghiêm trọng vẫn hoạt động từ nhiều năm nay?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đã thực sự quyết liệt trong xử lý?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.