Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã thấy "cần", liệu có "đủ"?

Vĩnh Phương| 01/10/2011 06:51

(HNM) - Sự ra đời của một đơn vị chuyên nghiệp tổ chức giải đấu bóng đá (VPF) là bước tiến rất dài trong chặng đường chuyên nghiệp hóa bóng đá Việt Nam. Đây chính là mô hình đã thu được thành công ở nhiều quốc gia. Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần, còn việc V.League có thành công dưới sự điều hành của VPF hay không lại là vấn đề khác. Ở đây, vẫn còn một số băn khoăn về mô hình tổ chức mới này.

Việc LĐBĐ Việt Nam (VFF) giao V.League cho các CLB tổ chức là điều tất yếu trong xu thế phát triển. Nói như Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thì không thể giao một giải đấu chuyên nghiệp cho một đơn vị chưa chuyên nghiệp (VFF) tổ chức được. Hơn nữa, VFF "ôm" V.League cũng là trái với Luật Thể dục thể thao ban hành năm 2006 nên việc chuyển đổi mô hình hoạt động là không thể tránh khỏi.

Bóng đá Việt Nam cần có sự thay đổi để chuyên nghiệp hơn. Ảnh: VSI

Việc giao giải đấu cho một công ty tổ chức cũng là hướng đi đúng, bởi đã là doanh nghiệp thì phải hướng tới lợi nhuận, hướng tới sự phát triển cao nhất. Ở mô hình này, giám đốc điều hành (GĐĐH) sẽ được hội đồng quản trị (HĐQT) thuê để điều hành giải đấu, trong trường hợp giải có sự cố thì có thể GĐĐH sẽ "bay" chức ngay. Thế nên, chắc chắn GĐĐH sẽ phải tận tâm, tận lực để tổ chức giải đấu thật tốt chứ không thể thoải mái mơ tưởng "nọ kia". Trọng tài cũng không còn được "cái ô" nào bảo vệ như trước, nên sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn với các quyết định của mình. Bù lại, họ sẽ được hưởng lương cao, có thể lên đến 30-50 triệu đồng/tháng. Với số tiền ấy phần nào có thể khiến cho các vị "vua áo đen" chối bỏ cám dỗ.

Nhìn về mọi mặt, V.League tổ chức theo mô hình mới nhiều khả năng hoàn hảo hơn so với khi còn trong sự bao bọc của VFF. Thế nhưng, người ta vẫn còn băn khoăn về mô hình này. Theo đề án, HĐQT sẽ có khoảng 9-11 thành viên, trong đó có từ 3-5 thành viên thường trực. HĐQT sẽ là một dạng ban chỉ đạo mới của V.League, nhưng có quyền lực trực tiếp và mạnh mẽ hơn bởi khi cần có thể thay ngay GĐĐH. Thế nhưng, câu hỏi là một khi đã được trao quyền lực lớn đến thế thì liệu HĐQT có "tự tung, tự tác", hướng công ty theo những lợi ích cục bộ nào đó hay không?

Chẳng hạn, trong xu thế hiện nay, tiếng nói của các ông bầu như Nguyễn Đức Kiên và Đoàn Nguyên Đức rất mạnh, có thể sẽ là những thành viên chủ chốt của HĐQT. Nhưng họ cũng là ông chủ của những đội bóng tham gia V.League, liệu các giám sát, trọng tài có phải chịu áp lực lớn từ HĐQT khi bắt những trận đấu có đội của ông bầu nằm trong HĐQT?

Các nước tổ chức giải chuyên nghiệp thành công bởi họ có mô hình tốt, con người giỏi, công tâm, còn ở Việt Nam, nếu chỉ có mô hình tốt mà con người vẫn mang tư duy, cách làm cũ thì chuyện thành công là rất khó. Thế nên, muốn giải đấu mới thành công thì không chỉ các đội bóng mà chính những thành viên chủ chốt của VPF (nếu được thành lập) cũng sẽ phải làm đầu tàu để tạo nên sự đột phá trong cách nghĩ, cách làm, đưa giải đấu theo hướng công khai, minh bạch nhất có thể.

Từ nay đến khi mùa giải mới được tổ chức vẫn còn chặng đường dài, ngoài những thủ tục hành chính với các cơ quan chức năng thì việc xây dựng quy chế, điều lệ mới cũng là mảng việc rất quan trọng. Chỉ khi xây dựng được bộ quy chế, điều lệ giải hoàn thiện thì giải đấu mới có được bệ phóng vững vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã thấy "cần", liệu có "đủ"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.