(HNM) - Trẻ em cần được chăm sóc toàn diện, cả về thể chất và tinh thần. Đó là điều được thể hiện trôi chảy khi chuyên gia và nhà quản lý liên quan đến phần việc này diễn thuyết, trình bày tham luận.
Tuy vậy, khi "áp" vào hiện thực, đã có những hạn chế cả về nhận thức và hành động hướng đến mục tiêu chăm sóc trẻ một cách toàn diện. Chẳng hạn, giờ đây, đối với trẻ em, chúng ta đang phải đối mặt với gánh lo kép khi theo dõi hành trình trưởng thành của chúng, đặc biệt là về mặt thể chất - không chỉ là thiếu cân, thấp còi mà còn là thừa dinh dưỡng.
Qua nhiều cuộc khảo sát được thực hiện rải rác trong những năm gần đây, các chuyên gia về dinh dưỡng đưa ra kết luận rất đáng lo ngại, rằng tỷ lệ trẻ béo phì ở Việt Nam đang tăng với tốc độ phi mã. Vào đầu năm ngoái, Viện Dinh dưỡng quốc gia đưa ra số liệu thống kê mà theo đó, một số tỉnh, thành phố đang phải đối diện với gánh lo về tình trạng trẻ thừa cân, béo phì. Tại Bình Dương, tỷ lệ này là 13,4% - vượt tỷ lệ chung toàn cầu; TP Hồ Chí Minh có 12,6% và Đà Nẵng có 10,8%... Quãng đầu những năm 2000, trong vòng 7 năm, con số thống kê cho thấy số trẻ ở TP Hồ Chí Minh mắc chứng thừa cân, béo phì tăng từ 3 đến 4 lần. Tại Hà Nội, cách nay khoảng 4-5 năm, một cuộc khảo sát với sự tham gia của 3.000 trẻ tiểu học cho kết quả là hơn 23% ở trong tình trạng thừa cân (hơn 17% bị béo phì).
Đó là những số liệu mang tính cảnh báo đối với nhà hoạch định chiến lược chăm sóc trẻ cũng như các gia đình Việt Nam, cả trong ngắn và dài hạn. Về cơ bản, tình trạng trẻ thừa cân, béo phì tăng nhanh có ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe nguồn nhân lực, sức khỏe giống nòi trong tương lai. Trong ngắn hạn, những đứa trẻ ở trong tình trạng thừa dinh dưỡng có thể mắc nhiều loại bệnh, từ rối loạn tâm lý đến rối loạn tiêu hóa, bệnh tim mạch…, khá khó để lấy lại sự cân bằng. Tuy vậy, những người hiểu chuyện nhận xét rằng mối lo lớn nhất không nằm ở những con số cụ thể về tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì cho dù đó là những con số làm nhà quản lý phải đau đầu. Điều đáng lo gấp bội nằm ở tốc độ tăng - như trên đã dẫn là "phi mã", nó cho thấy hoặc là sự quan tâm của toàn xã hội, mỗi gia đình đối với vấn đề này chưa đầy đủ, hoặc là kế hoạch hành động chưa mang lại hiệu quả cần thiết. Và thậm chí, có thể là cả nhận thức và hành động đều "có vấn đề".
Gánh nặng kép liên quan đến sức khỏe thể chất giờ đã nghiêng về phía thừa dinh dưỡng chứ không phải nhẹ cân, thấp còi - căn cứ vào tỷ lệ mắc từ hai phía. Rõ ràng là cần phải có một cách nhìn nhận khác, một nhận thức đầy đủ hơn về nghĩa vụ chăm sóc trẻ và sự nguy hiểm của chứng thừa cân, béo phì, cả từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Thực trạng đó gắn liền với sự đi lên về điều kiện kinh tế của rất nhiều gia đình Việt Nam, với cuộc sống bận rộn của đa số người lớn, với "gánh nặng học hành" chi phối trẻ và khiến chúng không còn đủ thời gian để chơi trò vận động, với chế độ dinh dưỡng đã thiếu quy chuẩn và không kiểm soát được chất lượng thực phẩm…
Xác định được nguyên nhân thì cần phải hướng giải pháp vào đó. Trước khi chờ "quả ngọt" từ giải pháp vĩ mô, sự cảnh báo từ truyền thông và các chuyên gia dinh dưỡng, điều cần nhất là các gia đình phải tự ý thức về mối hại của chứng thừa dinh dưỡng, hệ lụy có thể xảy ra, tự bồi dưỡng kiến thức để chăm sóc trẻ hiệu quả. Trong ngắn hạn, ngoài việc giám sát chất lượng thực phẩm, vấn đề dinh dưỡng cần phải được "áp chuẩn" tại các bếp ăn tập thể phục vụ trẻ nhỏ và có biện pháp để duy trì tiêu chuẩn dinh dưỡng trong thực tế. Và trên hết, tất cả chúng ta cần phải ý thức rõ về tầm quan trọng của vấn đề đối với tương lai con người Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.