Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã sẵn sàng cho một trang mới

Nguyễn Phan Quế Mai| 18/03/2012 07:02

(HNM) - Những nụ cười hồ hởi, những bàn tay siết chặt… đó là không khí chung trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm hợp tác văn học giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner (Đại học Masachusetts, Mỹ) vừa diễn ra tại Hà Nội, Huế và Quảng Trị.


Chương trình “Nhìn lại và phát triển” - Diễn đàn văn học Việt-Mỹ được tổ chức tại Huế.

Diễn đàn văn học Việt - Mỹ “Nhìn lại và phát triển” (ngày 9-3 tại Huế), khiến người dự bất ngờ bởi một triển lãm đầy đặn với những tác phẩm văn học Việt Nam. Đó là những công trình đã được các nhà thơ, nhà văn Mỹ, những thành viên của Trung tâm William Joiner như Kevin Bowen, Nguyễn Bá Chung, Bruce Weigl, Fred Marchant, Martha Collins… dày công biên soạn, dịch sang tiếng Anh, xuất bản tại Mỹ và giới thiệu với hàng chục ngàn công chúng Mỹ qua hệ thống thư viện, các trường cao đẳng và đại học trong suốt những năm qua. Trong số đó phải kể đến tập thơ “Thơ từ những tài liệu bị bắt giữ” (Poems from captured documents). Một tập thơ đã được nhà thơ cựu binh Mỹ Bruce Weigl tập hợp từ hàng nghìn thước phim chụp giấy tờ, nhật ký của những người lính miền Bắc Việt Nam bị bắt hoặc đã hy sinh. Tác phẩm này đã phần nào giúp người Mỹ hiểu rằng những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam không phải là những cỗ máy, mà là những con người với trái tim đầy yêu thương, hy vọng, sẵn sàng hy sinh cho hòa bình của dân tộc. Cũng chính vì tập thơ này mà ông đã vấp phải không ít phản ứng cực đoan từ một bộ phận người Việt đang sống tại Mỹ và cả một số cựu binh Mỹ.

Bên cạnh triển lãm, cuộc hội thảo chính thức tại Huế đã cung cấp cho những người tham dự thông tin chi tiết về 20 năm giao lưu văn học Việt - Mỹ, thông qua hai đơn vị là Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner. Trong đó có việc hàng trăm lượt nhà văn của hai nước đã sang thăm, giao lưu cùng công chúng và các văn nghệ sĩ; tuyển chọn và giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của văn học hai nước; thực thi các dự án nghiên cứu và đào tạo… Nhiều đại biểu không khỏi xúc động trước câu chuyện về nỗ lực của các cựu binh Mỹ nhằm phá bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam, kêu gọi sự nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ đối với Việt Nam. Thậm chí, nhiều cựu binh Mỹ đã đánh đổi sự an toàn của họ để bảo vệ tính mạng cho những văn nghệ sĩ Việt Nam trong những chuyến thăm đầu tiên đến Mỹ từ gần 20 năm trước.

Dường như thông tin từ những báo cáo tổng kết vẫn còn chưa đầy đủ. Ngay sau diễn đàn văn học Việt - Mỹ, đại diện bệnh viện Trung ương Huế đã tìm gặp để cảm ơn các văn nghệ sĩ Mỹ về sự hỗ trợ của họ cho khoa nhi của bệnh viện từ nhiều năm về trước. Ít ai biết rằng, nguồn kinh phí này chính là toàn bộ nhuận bút từ các tác phẩm dịch văn học Việt Nam đầu tiên mà Trung tâm William Joiner thực hiện.

“Việt Nam là cuộc sống của chúng tôi!”

“Đến Việt Nam, chúng tôi thấy khỏe hơn”, ba nhà văn cựu binh Mỹ Kevin Bowen, Bruce Weigl và Larry Heinemann bày tỏ. Từng chiến đấu ở những nơi ác liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam, từng có nỗi ám ảnh về Việt Nam trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ, nhưng kỳ lạ thay, giờ đây Việt Nam đã là quê hương thứ hai của họ. Vượt qua hàng chục ngàn cây số và hơn 20 giờ bay để đến Việt Nam, các cựu binh bất chấp những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe có thể xảy ra (Kevin Bowen bị chấn thương nặng, Bruce Weigl vừa trải qua một cuộc phẫu thuật não…). Tại Việt Nam, đất nước mà họ khâm phục, các nhà văn Mỹ đã nhiệt tình cùng hơn 40 nhà văn Việt Nam tham gia tất cả sự kiện diễn ra tại Hà Nội, Huế và Quảng Trị. Họ tận dụng từng giây phút của chuyến đi để tiếp tục xây dựng cây cầu nối hai bờ văn hóa. Giờ giải lao của diễn đàn, Kevin Bowen, Hữu Thỉnh và Nguyễn Quang Thiều say sưa bàn về những kế hoạch hợp tác văn học sắp tới. Nguyễn Bá Chung tặng Nguyễn Đức Mậu tập thơ “Sáu nhà thơ Việt Nam” (Six Vietnamese Poets) được xuất bản tại Mỹ; Bruce Weigl khoác vai Trung Trung Đỉnh để kể về những kỷ niệm thời hai người chiến đấu ở hai đầu chiến tuyến tại An Khê. Ở một góc khác, Fred Marchant cho Võ Quê xem những bài thơ viết về Côn Đảo mà ông vừa chuyển ngữ sang tiếng Anh cùng Nguyễn Bá Chung. Rồi Carolyn Forché và Lê Minh Khuê ôm chầm lấy nhau, nước mắt tuôn dài cho lần hội ngộ sau 19 năm kể từ lần đầu gặp nhau ở Mỹ… Phải nhìn thấy những hình ảnh ấy, mới hiểu sâu sắc lời nói của Kevin Bowen “Việt Nam là cuộc sống của chúng tôi!”, của Larry Heinemann “Tôi đến Việt Nam để được thanh thản”…

Sẵn sàng làm nhiều hơn nữa vì Việt Nam

Sau buổi giao lưu thơ Việt - Mỹ tại trường Đại học Huế, nhà thơ Carolyn Forché xúc động nói: “Người Mỹ cần hiểu nhiều hơn nữa về Việt Nam. Tôi sẵn sàng làm nhiều hơn nữa vì Việt Nam”. Nhà văn Lady Borton thì hào hứng chia sẻ với tôi ý định của bà trong việc dịch tuyển tập “100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX của Việt Nam” sang tiếng Anh. Khi biết mình sắp đến nghĩa trang Trường Sơn, nhà văn Larry Heinemann đã đứng lặng một góc với đôi mắt đỏ hoe. Ông trăn trở làm sao đóng góp nhiều hơn cho việc hàn gắn những vết thương chiến tranh còn lưu dấu trên cơ thể đất nước anh hùng này.

Trong những ngày qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã cùng các đồng nghiệp Mỹ bàn thảo một chương trình khung cho sự hợp tác sắp tới. Trong đó ưu tiên dịch và xuất bản các tác phẩm văn học tiêu biểu của hai nước, bồi dưỡng lớp người kế cận, huy động các dịch giả giỏi, đẩy mạnh các chương trình giao lưu văn học… Và tôi biết, đang có rất nhiều tấm lòng sẵn sàng đưa lịch sử của sự hợp tác văn học Việt - Mỹ sang một trang mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đã sẵn sàng cho một trang mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.