(HNM) - "Báo động" có lẽ là từ người ta vẫn dùng nhiều nhất mỗi khi nhắc đến vấn đề an toàn, vệ sinh lao động. Những năm gần đây, con số các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng vẫn đều đều tăng, số người chết cũng vì thế mà tăng theo. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trong năm 2013 toàn quốc xảy ra 6.695 vụ TNLĐ khiến 606 người tử vong và 6.361 người bị thương, thiệt hại về vật chất lên tới hơn 70 tỷ đồng.
Ngày mai (16-3) sẽ là ngày đầu tiên của Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ lần thứ 16. Sẽ lại có những lễ phát động rầm rộ ở cả trung ương và nhiều tỉnh, thành phố. Việc tổ chức tuần lễ hành động là cần thiết nhằm kêu gọi người sử dụng lao động và người lao động thực hiện tốt công tác ATLĐ. Nhưng thực tế, dù đã qua 15 lần tổ chức sự kiện này, kết quả vẫn chưa được như mong muốn. TNLĐ vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Các vụ cháy nổ vẫn liên tiếp xảy ra. Đáng nói là có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, để lại hậu quả khá nặng nề cho xã hội.
Thực ra, những nguyên nhân dẫn đến TNLĐ thì hầu như ai cũng biết rõ, nhưng cái lý do mà người ta dễ vin vào nhất chính là ý thức, một thứ vô hình và rất mơ hồ. Một khi đã cột được vào ba chữ "ý thức kém" thì cũng đồng nghĩa với việc trách nhiệm sẽ được giảm bớt. Thế mới ra chuyện, ai phát động cứ phát động, còn hành động ra sao, ngăn chặn thế nào lại là việc khác. Vậy nên, dù năm 2013 xảy ra tới 6.695 vụ TNLĐ, nhưng các trường hợp được điều tra báo cáo chỉ khiêm tốn là 175 vụ. Điều này cho thấy rõ nhất thái độ ứng xử trong xã hội nói chung về vấn đề này. Một tình trạng cũng cực kỳ đáng… báo động! Thế nhưng khi ngay cả trong tiềm thức người ta còn thờ ơ thì làm sao dám hy vọng sự quan tâm, chăm lo hay đầu tư cho công tác bảo hộ, an toàn cho người lao động. Và khi cơ sở còn chưa quan tâm đúng mức thì các cấp quản lý cũng có đủ lý do để buông lỏng kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm.
Mới ngày 12-3 vừa rồi, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã công bố Việt Nam gia nhập Công ước 187 về khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động của ILO theo quyết định được Chủ tịch nước ký ngày 23-1-2014. Công ước 187 đưa ra một cách tiếp cận hệ thống, yêu cầu an toàn vệ sinh lao động được đưa vào nội dung quan trọng nhất trong chương trình nghị sự quốc gia. Vì thế nó được coi là có vai trò thúc đẩy những nỗ lực quốc gia trong việc cải thiện điều kiện lao động, cơ sở để sớm ra đời của Luật An toàn vệ sinh lao động.
Nhưng dù gì thì đây cũng mới chỉ là văn bản pháp lý có tính chất định khung, còn thực tế đòi hỏi phải có hành động đúng mức trong cộng đồng. Điều này phải được cụ thể hóa bằng các quy định ràng buộc trách nhiệm của người sử dụng lao động cũng như các cấp quản lý. Quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn, và đặc biệt là cần những chế tài nghiêm khắc hơn nữa, để sau mỗi buổi phát động, mỗi tiếng còi "báo động" sẽ là những "hành động" thực sự chứ không phải là sự thờ ơ, "bất động"…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.